Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nông thôn của huyện Ý Yên đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ về hạ tầng ngành nông nghiệp, diện mạo không ngừng khởi sắc, đời sống nhân dân được nâng cao. Để tiếp thêm sức mạnh thúc đẩy phát triển “tam nông”, ngày 5-12-2022 huyện Ý Yên đã ban hành Kế hoạch số 119 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn huyện theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16-6-2022 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII với các mục tiêu, giải pháp hữu hiệu, sát thực.
Chế tác tượng gỗ mỹ nghệ truyền thống tại xã Yên Ninh.
Sức bật “tam nông”
Năm 2022, trong điều kiện nhiều khó khăn do ảnh hưởng của
thời tiết diễn biến bất thường; dịch bệnh COVID-19 phức tạp, huyện Ý
Yên đạt và vượt 18/19 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Cơ cấu ngành
nghề chuyển dịch tích cực, lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp chiếm tỷ trọng
55,6%, các ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 27,1%, khu vực dịch vụ chiếm
17,3%. So với năm 2021, kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá, một số chỉ tiêu
đạt cao như tổng giá trị sản xuất tăng 10,56%, giá trị sản xuất công nghiệp
tăng 14,5%; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất nông nghiệp đạt xấp xỉ 120
triệu đồng. Các doanh nghiệp thích ứng với bối cảnh mới, khắc phục khó khăn và
mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm trong
huyện đạt trên 80-85%. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 70 triệu đồng/năm.
Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn là 12,2%.
Nhiều dự án đầu tư quan trọng phát triển hệ thống kết cấu hạ
tầng kinh tế - xã hội đã được triển khai, đặc biệt là các dự án hạ
tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông có tính kết nối; nhiều dự án hạ
tầng thủy lợi được cải tạo, xây mới giúp nâng cao năng lực tưới tiêu, thúc đẩy
sản xuất nông nghiệp phát triển. Công tác phát triển đô thị có nhiều điểm nhấn,
huyện đã lập, điều chỉnh quy hoạch thị trấn Lâm đến năm 2030, đặc biệt là quy
hoạch chi tiết khu vực xã Yên Bằng thuộc quy hoạch chung đô thị mới 4 xã gồm:
Yên Bằng, Yên Tiến, Yên Hồng, Yên Quang. Toàn huyện có 29/31 xã, thị trấn được
UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao (chiếm 93,5%),
88 thôn (xóm), tổ dân phố của 22 xã, thị trấn đạt mô hình thôn (xóm) NTM kiểu
mẫu. Cùng với đó, huyện chú trọng phát triển kinh tế tập thể, tăng cường hoạt
động hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với các hộ sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã
trong đầu tư sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm chủ lực địa
phương.
Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công
nghiệp đã phát triển toàn diện, phát huy lợi thế của từng vùng, từng
ngành nghề. Qua liên kết sản xuất quy mô lớn, đồng bộ ở các địa phương đã
xây dựng và định vị được thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của huyện
trên thị trường. Huyện đã có 21 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP hạng 3
sao và 4 sao như: Trứng gà Phú Nghĩa, xã Yên Nghĩa; Dầu lạc Thuận Hồng,
xã Yên Dương; Gạo sạch Toản Xuân, xã Yên Lương; Dầu vừng An Nhiên, các
loại rau sạch của Hợp tác xã Nam Cường, xã Yên Cường; Tương ớt Quang Minh
và sa tế Oihinsu ở xã Yên Bằng… Các làng nghề truyền thống từ lâu đời được duy
trì và phát triển mạnh như: Đúc đồng mỹ nghệ thị trấn Lâm, sản xuất đồ gỗ mỹ
nghệ xã Yên Ninh, tre nứa chắp, sơn mài xã Yên Tiến... Sản xuất hàng may mặc
cũng duy trì phát triển mạnh tại các xã, thị trấn trong huyện, điển hình như
các xã: Yên Trị, Yên Đồng, Yên Bình, Yên Thọ... với nhiều doanh nghiệp thu
hút hàng trăm lao động tại chỗ và các nơi đến làm việc, đóng góp quan trọng vào
việc nâng cao thu nhập cho người dân, ổn định an ninh trật tự và giữ gìn
văn hóa truyền thống của cha ông; hình thành thế hệ nông dân sáng tạo,
năng động trong sản xuất, kinh doanh.
Giải pháp tiếp sức cho “tam nông”
Bên cạnh những thành tựu đạt được, phát triển “tam nông” ở Ý Yên
còn những yếu tố, hạn chế dẫn đến thiếu bền vững. Kinh tế tập thể, hợp tác, hợp
tác xã tuy đã được quan tâm phát triển nhưng tổ chức sản xuất, kinh doanh ở các
xã, thị trấn chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ lẻ; chất lượng, hiệu quả hoạt động
của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa cao. Hàm lượng khoa học, công
nghệ, đổi mới sáng tạo trong các sản phẩm nông nghiệp còn ít, chế biến sâu chưa
nhiều. Thu hút đầu tư lớn cho phát triển nông nghiệp, dịch vụ ở nông thôn gặp
nhiều khó khăn. Để tiếp thêm sức mạnh cho “tam nông”, ngày 5-12-2022 UBND huyện
Ý Yên đã ban hành Kế hoạch số 119 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm
2030, tầm nhìn đến năm 2045 với các mục tiêu phấn đấu đến năm 2030: Tốc độ
tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông nghiệp đạt bình quân 2,0-2,5%/năm;
tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn đạt bình quân 8-10%/năm. 100%
số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn
NTM nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người tăng 2-2,5 lần so với năm 2020. Tỷ
lệ lao động nông thôn được đào tạo đạt trên 85%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh
hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định đạt 100%. Đến năm 2045, Ý Yên
phấn đấu trở thành một trong những huyện phát triển khá của tỉnh.
Nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu này, huyện đề ra 7
giải pháp chính gồm: Nâng cao nhận thức về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật
chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn; phát triển nông nghiệp theo
hướng sinh thái, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng; phát triển mạnh công
nghiệp, dịch vụ, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn; triển khai thực
hiện các cơ chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tạo đột phá
trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; đào tạo nhân
lực trong nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể phấn đấu đến năm 2030, giá trị
sản phẩm trên 1ha đất canh tác đạt trên 140 triệu đồng. Tổng sản lượng lương thực
có hạt đạt trên 150 nghìn tấn. Có 1,5 - 2,0% diện tích đất sản xuất nông nghiệp
hữu cơ trên tổng diện tích đất nông nghiệp. Nhân rộng và phát huy hiệu quả các
mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất, tổ chức các chuỗi giá trị từ sản xuất,
chế biến và tiêu thụ nông sản. Tập trung cải tạo con giống theo hướng tăng năng
suất, chất lượng; cơ cấu lại đàn vật nuôi theo hướng giảm tỷ trọng đàn lợn,
tăng tỷ trọng đàn gia súc ăn cỏ. Xây dựng 20-25 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch
bệnh, có trên 60% tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi đảm an toàn sinh học, an toàn dịch
bệnh. Tổng sản lượng thủy sản đạt trên dưới 7.000 tấn. Đầu tư nâng cấp hạ
tầng công nghiệp, dịch vụ, hình thành mạng lưới lưu thông, bảo quản, chế biến,
logistics, thương mại điện tử ở nông thôn. Tạo điều kiện cho các tổ chức tín
dụng mở rộng mạng lưới; triển khai hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi để giải
quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề nông thôn. Xây dựng và phát triển các hệ
thống nền tảng chính quyền điện tử gắn với xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, đô
thị thông minh, hướng tới xây dựng chính quyền số.
Những kết quả đạt được đã khẳng định quyết tâm cao của cả hệ
thống chính trị và nhân dân trong huyện, là minh chứng thuyết phục khẳng
định hướng đi, cách làm để giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp, nông dân,
nông thôn nhằm phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả
của huyện Ý Yên là hoàn toàn đúng đắn. Nhờ đó đã tập trung nguồn
lực xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá
trị gia tăng và phát triển bền vững; đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho
người dân được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, công nghệ mới để áp dụng vào sản
xuất, kinh doanh, làm giàu ngay tại quê hương, góp phần thúc đẩy phát triển
kinh tế - xã hội của huyện. Bằng việc gia tăng các giải pháp thúc đẩy
phát triển “tam nông”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ý Yên quyết
tâm góp sức cùng tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban
Chấp hành Trung ương khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn./.
(Bài- Ảnh: Nguyễn Hương - Báo Nam Định)