Nông sản OCOP - kết tinh từ thành quả lao động của Nông dân huyện Ý Yên
Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, trong những năm qua, huyện Ý Yên thường xuyên triển khai sâu rộng đến các xã, thị trấn trên địa bàn mục tiêu xây dựng "Mỗi xã một sản phẩm OCOP", đồng thời tạo điều kiện, khuyến khích nông dân các địa phương tích cực lao động sản xuất, phát huy thế mạnh của từng vùng, miền, tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế, đạt tiêu chuẩn, chất lượng. Từ đó, từng bước xây dựng thương hiệu riêng, làm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân.
Với
các chủ trương, chính sách phù hợp, huyện Ý Yên đã triển khai các giải pháp
thúc đẩy phát triển sản xuất ngành nông nghiệp, hỗ trợ các địa phương phát huy
lợi thế của các ngành hàng chủ lực, tạo ưu thế riêng trong sản xuất, từ đó phát triển
các sản phẩm OCOP mang thương hiệu đặc trưng. Xây dựng sản phẩm OCOP cũng được xem là một
“cú hích” cho ngành sản xuất nông nghiệp nói chung và lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các
sản phẩm nông sản, thực phẩm nói riêng. Xây dựng sản phẩm OCOP còn khích lệ
tính sáng tạo, học hỏi, dám nghĩ dám làm của người nông dân, góp phần nâng cao
trình độ sản xuất, thay đổi thói quen, kinh nghiệm sản xuất đã lạc hậu bằng
hình thức sản xuất công nghệ cao mang lại đa lợi ích. Nhờ kinh nghiệm và hiệu quả từ "làm OCOP", đến nay, nhiều cá nhân, tổ chức sản
xuất, các cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng tiến
bộ khoa học kỹ thuật cùng dây chuyền máy móc hiện đại để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng và
thân thiện với môi trường. Hình thức tổ chức sản xuất theo tập thể, theo chuỗi
giá trị được các địa phương chú trọng cũng giúp các hộ sản xuất có được những hỗ trợ
thiết thực từ khâu đầu vào đến đầu ra cho sản phẩm nông sản. Vì vậy mối liên kết “4 Nhà” gồm Nhà nước – Nhà doanh nghiệp – Nhà khoa học và Nhà nông ngày càng thực chất
và bền chặt. Qua đó, các xã, thị trấn trong huyện đã hình thành và phát triển
các vùng sản xuất tập trung có quy mô, giá trị cao và trở thành lĩnh vực mũi
nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương. Điển hình như các vùng liên kết sản
xuất lúa gạo sạch với Công ty TNHH Toản Xuân; các vùng trồng rau sạch đạt tiêu
chuẩn VietGap ở xã Yên Cường, xã Yên Dương; cùng các tổ chức Hợp tác xã chăn
nuôi gia cầm, chăn nuôi lợn ở xã Yên Nghĩa, Yên Lợi…
Thực tế cho thấy, các sản phẩm nông sản có tính liên kết không chỉ có thêm nhiều điều kiện thuận lợi trong quá trình sản xuất mà còn đảm bảo được giá trị và
đầu ra ổn định, tạo được uy tín trên thị trường nông sản sạch. Theo thống kê, từ các sản phẩm nông sản được sản xuất theo quy trình an toàn, hiện huyện Ý Yên đã xây dựng thành công được 21 sản phẩm OCOP chất lượng
3 sao, 4 sao như: Trứng gà sạch Phú Nghĩa – xã Yên
Nghĩa, gạo sạch Toản Xuân, thịt lợn sạch của HTX chăn nuôi xã Yên Lợi, các loại
rau sạch của HTX Nam Cường – xã Yên Cường và nhiều sản phẩm khác như dầu lạc, dầu
vừng, tương ớt… Năm 2023, UBND huyện Ý Yên
tiếp tục công nhận thêm 9 sản phẩm OCOP của các chủ cơ sở sản xuất trên địa bàn
huyện bao gồm: Gạo Toản Xuân ST25; Nấm Bào Ngư Xám – xã Yên Khánh; dầu lạc
nguyên chất Mộc Miên – xã Yên Nhân; dầu lạc nguyên chất Hải Chính – xã Yên Thắng;
sản phẩm Đông Trùng Hạ Thảo Thành Nam – xã Yên Lương; sản phẩm Đông Trùng Hạ Thảo
của Công ty CP Công nghệ Sinh học Trường Sơn – xã Yên Hồng; các sản phẩm Tinh bột
Nghệ, Tinh bột sắn dây, Tinh bột sắn dây chanh leo Minh Châu – xã Yên Đồng. Các sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP năm nay cũng có nhiều sản phẩm được sản xuất theo quy trình kỹ thuật cao như các sản phẩm nấm Đông Trùng Hạ Thảo, nấm Bào Ngư Xám. Đặc biệt, sản phẩm nấm Đông Trùng Hạ Thảo của Công ty Cổ phần Trường Sinh còn phát triển nuôi trồng kỹ thuật cao sản xuất ra sản phẩm nấm có bào tử làm tăng giá trị và công dụng tốt của nấm đối với sức khỏe con người. Bên cạnh đó, Công ty còn sử dụng nấm để làm thành phần chính sản xuất ra nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng như sản phẩm serum dưỡng da, thuốc trị xoang… mang lại nhiều công dụng khác nhau. Ngoài các sản phẩm đạt chuẩn OCOP thì cũng có rất nhiều sản phẩm lấy nguyên liệu chính từ nông sản của địa phương và được sản xuất, chế biến bằng máy móc hiện đại với quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt nhằm làm ra các sản phẩm thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng như dầu lạc, gạo sạch Toản Xuân, tinh bột sắn dây, tinh bột nghệ, tương ớt…
Là
một trong những chủ cơ sở tham gia xây dựng sản phẩm OCOP, cơ sở sản xuất của
gia đình chị Lương Thị Thúy Mơ ở xóm 16, Cốc Dương, xã Yên Đồng có 3 sản phẩm được Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP huyện Ý Yên chấm điểm đạt
chất lượng 3 sao. Chị Mơ chia sẻ: Cũng từ mong muốn có được những loại thực phẩm
an toàn cho sức khỏe mà vợ chồng chị đã quyết tâm đầu tư vốn liếng, mua sắm máy móc, thiết bị hiên đại như máy nghiền và máy sấy chuyên dụng để
phục vụ cho việc sản xuất tinh bột sắn dây, tinh bột nghệ được hiệu quả và đảm
bảo chất lượng tốt nhất cho sản phẩm. Ngoài ra, gia đình chị còn cải tạo 3 sào đất ruộng, vườn đồng thời phối hợp với các hộ nông dân khác trong vùng trồng sắn dây ta nhằm tự chủ về nguồn nguyên liệu đầu vào và giữ cho sản phẩm luôn đảm bảo chất lượng. Với uy tín và kinh nghiệm sản xuất nhiều năm nay, cùng với
giá cả của các sản phẩm phù hợp với thị trường nên các sản phẩm của gia đình chị Mơ sản xuất được
đông đảo người tiêu dùng tin tưởng và đặt hàng thường xuyên. Bình quân mỗi năm cơ sở sản xuất tiêu thụ được khoảng 10 tấn tinh bột sắn, tinh bột nghệ các loại, thu
nhập ước đạt 100 – 150 triệu đồng/năm. Không ngừng tìm tòi, học hỏi gia đình chị
còn tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau, đa dạng về mùi vị nhằm đáp ứng thị hiếu của
khách hàng. Nổi bật như sản phẩm tinh bột sắn dây chanh leo và nước hàng kho cá, kho thịt, mứt dừa do gia đình chị sản xuất cũng có sức tiêu thụ ổn định. Được sự tin tưởng của nhiều khách hàng trong và ngoài nước nên
công việc sản xuất, kinh doanh của gia đình chị Mơ ngày càng có nhiều thuận lợi. Hàng làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, đời sống của gia đình chị nhờ đó cũng
được cải thiện rõ rệt. Tham gia xây dựng sản phẩm OCOP, gia đình chị mong muốn tạo
được thương hiệu riêng cho các sản phẩm do gia đình sản xuất, từ đó có điều kiện để
giới thiệu, quảng bá các sản phẩm rộng rãi hơn đến người
tiêu dùng, vừa là để phát triển sản xuất, kinh doanh vừa mang lại những sản
phẩm tốt nhất cho khách hàng. Chủ động, linh hoạt trong cách nghĩ, mạnh dạn, sáng tạo trong cách làm, những sản phẩm OCOP có thương hiệu được xây dựng và phát triển từ đôi bàn tay và khối óc của những người nông dân "chân lấm tay bùn" trên quê hương Ý Yên như vợ chồng chị Mơ không chỉ đang làm giàu một cách chính đáng cho gia đình mà còn làm
giàu cho quê hương, góp phần tích cực cùng các địa phương xây dựng Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn
mới kiểu mẫu.
Để
các sản phẩm OCOP của địa phương tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng, huyện Ý Yên
cũng đã xây dựng cửa hàng giới thiệu các sản phẩm OCOP được đặt tại khu vực Sân
vận động Trung tâm huyện - Thị trấn Lâm. Đây cũng là điểm đến quen thuộc của
khách hàng trong huyện khi có nhu cầu về nông sản sạch, có nguồn gốc xuất xứ
rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của các ban
ngành liên quan, các sản phẩm OCOP của huyện thường xuyên được tham gia giới
thiệu sản phẩm tại các gian hàng ở Hội chợ nông sản sạch trong tỉnh. Hội Nông
dân huyện cũng tích cực hỗ trợ nông dân quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại
điện tử chuyên cung cấp các sản phẩm chất
lượng chuẩn OCOP, VietGap, các đặc sản vùng miền theo tiêu chí : An toàn – Chất
lượng – Tiện lợi. Nhờ vậy, nông dân và các cơ sở sản xuất có thêm nhiều cơ hội kết nối nhanh chóng, trực
tiếp với người tiêu dùng trên khắp các tỉnh thành trong cả nước, góp phần hỗ trợ
nông dân hội nhập và phát triển kinh tế số, thúc đẩy tiêu
thụ nông sản thêm phần hiệu quả.
Tin tưởng rằng với sự quan tâm, hỗ trợ thiết thực từ các cấp, các ngành và chính quyền các địa phương,
nông dân huyện Ý Yên sẽ tiếp tục khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương, tự tin xây dựng và phát triển thêm nhiều các sản phẩm OCOP chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường, tạo việc làm cho lao động địa phương,
nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa
bàn huyện phát triển và vững bước trên con đường xây dựng Nông thôn mới nâng
cao, kiểu mẫu./.
(T/h: Trần Thúy - Trung tâm VHTT&TT Ý Yên)