Cổng thông tin điện tử

Huyện Ý Yên - Nam Định

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Huyện Ý Yên chú trọng xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh
Lượt xem: 372
Phát huy tập quán và khai thác tiềm năng sẵn có, hàng chục năm qua, chăn nuôi đã trở thành lĩnh vực sản xuất quan trọng, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp của huyện Ý Yên phát triển toàn diện. Hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ trong dân đã dần được thay thế bằng các trang trại, gia trại vừa và nhỏ mang lại nguồn thu nhập cao cho các hộ chăn nuôi. 
anh tin bai

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp huyện, trong các năm gần đây, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tại địa bàn huyện Ý Yên cơ bản đã được kiểm soát, giá cả thức ăn chăn nuôi giữ ổn định. Nhờ đó các hộ chăn nuôi đã dần khôi phục tái đàn, duy trì phát triển sản xuất. Tổng đàn vật nuôi của toàn huyện tăng dần, tính riêng đến cuối năm 2023, tổng đàn lợn của huyện có 25.851 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 2.854 tấn, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2022; đàn trâu, bò 6.883 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 313 tấn, tăng 7%; đàn gia cầm 408.521 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 720 tấn, tăng 9,1%.

Việc mở rộng chăn nuôi với quy mô tập trung không chỉ thuận lợi trong quá trình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà còn hạn chế đáng kể dịch bệnh phát sinh vì các chủ hộ đã có sự kiểm soát chặt chẽ các nguồn lây nhiễm trong quá trình chăn nuôi. Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện cho nông dân mở rộng quy mô chuồng trại, các xã, thị trấn trong huyện đã tổ chức quy hoạch các vùng sản xuất tập trung đồng thời khuyến khích các hộ khai thác, phát huy hiệu quả kinh tế của các diện tích đất nông nghiệp, tận dụng các diện tích thùng đào, thùng đấu cấy lúa kém hiệu quả để cải tạo thành các mô hình lúa – cá, VAC, VAC-R…Trên cơ sở đó, hình thức chăn nuôi hiện nay của nông dân huyện nhà cũng có sự chuyển hướng rõ rệt, từ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư dần hình thành các vùng chăn nuôi có quy mô tập trung lớn; từ chăn nuôi theo phương thức truyền thống chuyển dần sang hướng chăn nuôi theo tiêu chuẩn VIETGAP, chăn nuôi an toàn sinh học… gắn với thị trường và bảo vệ môi trường. Đây cũng đã và đang được xem là định hướng phát triển bền vững đối với ngành nông nghiệp địa phương. Hiện nay, toàn huyện có 63 trang trại đạt tiêu chuẩn trong đó có 6 trang trại chăn nuôi gia cầm, 9 trang trại chăn nuôi trâu, bò,  48 trang trại nuôi lợn, 4 cơ sở chăn nuôi VietGap, 2 cơ sở được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh và 1 mô hình chăn nuôi tuần hoàn.

 

anh tin bai

Qua thực tế cho thấy, nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả của nông dân ở các địa phương đã được công nhận là mô hình sản xuất kinh doanh giỏi các cấp và tiếp tục được các tổ chức hội đoàn thể giới thiệu để hội viên học hỏi, lựa chọn và nhân rộng. Điển hình như hộ bà Nguyễn Thị Thướng – Yên Minh với mô hình trang trại tổng hợp, bình quân mỗi năm đem lại nguồn thu trên 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho từ 3- 5 lao động với mức thu nhập ổn định từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng; hộ bà Nguyễn Thị Hằng – xã Yên Tân với mô hình trang trại chăn nuôi, kinh doanh thức ăn gia súc; hộ ông Tô Văn Mạnh - xã Yên Phương với mô hình nuôi chạch sụn cho thu nhập 600 triệu đồng/năm; hộ ông Hoàng Văn Hùng – xã Yên Khang với mô hình chăn nuôi thỏ cho thu nhập trên 500 triệu đồng/ năm...Không chỉ phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, tăng nguồn thu nhập cho gia đình từ vật nuôi, con giống, mô hình của các ông, bà chủ gia trại, trang trại còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại chỗ và là kinh nghiệm thực tế giúp các hộ nông dân khác được học hỏi, hỗ trợ và cầm tay chỉ việc, nhất là những hộ có hoàn cảnh khó khăn mạnh dạn khởi nghiệp, vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống.

Để đảm bảo lợi ích cho các hộ chăn nuôi, hiện nay, UBND huyện đang tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, rà soát thống kê tổng đàn, chủ động kiểm soát tình hình dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đang có nguy cơ tiềm ẩn phát sinh trong dịp nắng nóng. DTLCP hiện nay chưa có thuốc để điều trị bệnh cũng như chưa có vắc xin để phòng bệnh cho lợn nái. Vì vậy nếu không kiểm soát tốt và để dịch bùng phát thì nguy cơ lây lan diện rộng là rất cao. Ngành nông nghiệp khuyến cáo trong giai đoạn này các hộ chăn nuôi cần chủ động các biện pháp phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm, vệ sinh khử trùng khu vực chăn nuôi; thực hiện tiêm đầy đủ các vắc xin phòng bệnh bắt buộc cho lợn, khuyến khích tiêm vắc xin DTLCP cho đàn lợn thịt, lưu ý sử dụng vắc xin đã được Cục Thú y cấp phép lưu hành để chủ động phòng bệnh. Ngoài ra, cần nghiêm túc chấp hành quy định hoạt động kinh doanh, buôn bán, tiêu thụ lợn; không tiêu thụ, vận chuyển các sản phẩm từ lợn mắc bệnh, nhập lậu không rõ nguồn gốc tránh nguồn bệnh lây lan và đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng./.

(T/h: Trần Thúy - Trung tâm VHTT&TT huyện Ý Yên)

Chung nhan Tin Nhiem Mang