Hội thảo xây dựng và triển khai công cụ thúc đẩy thực hiện hoá mục tiêu phát triển bền vững trong thực hiện chương trình Nghị sự 2030
Sáng ngày 14/11, tại UBND huyện Ý Yên đã diễn ra Hội thảo xây dựng và triển khai công cụ thúc đẩy thực hiện hoá mục tiêu phát triển bền vững trong thực hiện chương trình Nghị sự 2030.
Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia
nghiên cứu đến từ Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Tài nguyên nước do bà Nguyễn
Thị Ngọc Lan, Giám đốc Trung tâm làm Trưởng đoàn. Tiếp và làm việc với đoàn có
đồng chí Nguyễn Đức Du, UVBTVHU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện cùng lãnh
đạo các phòng, ban, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan và cán bộ HTX Kinh
doanh – Dịch vụ Nông nghiệp xã Yên Cường.

Chương
trình Nghị sự 2030 gọi tắt là SDGs (Suitainable Development Goals) được Đại hội
đồng Liên Hợp Quốc thông qua vào tháng 9 năm 2015 là lời kêu gọi gửi đến tất cả
các Quốc gia trên thế giới nhằm giải quyết những thách thức lớn mà nhân loại phải
đối mặt, hướng đến một tương lai tốt đẹp và bền vững hơn cho tất cả mọi người
vào năm 2030. Trong 17 mục tiêu vì sự phát triển bền vững với 169 chỉ tiêu cụ
thể được xây dựng, các Quốc gia trên toàn cầu trong đó có Việt Nam cần ưu tiên
thực hiện xoá đói, giảm nghèo, bảo đảm y tế, giáo dục, an ninh về mọi mặt. Trên
cơ sở đó, định hướng cho các cá nhân, doanh nghiệp, chính quyền và các Quốc gia
biết phải quan tâm tới vấn đề gì và làm thế nào để đạt được mục tiêu. Chương
trình Nghị sự 2030 thể hiện quyết tâm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh, xây
dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân trên toàn thế giới, để tất cả các
Quốc gia được sống trong môi trường hợp tác, hoà bình và thịnh vượng. Tại Việt
Nam, mục tiêu tổng quát của kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện Chương trình
nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững là duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững
đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái;
quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu;
bảo đảm mọi người dân được phát huy mọi tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng
thành quả của phát triển; xây dựng một xã hội Việt Nam hòa bình, thịnh vượng,
bao trùm, dân chủ, công bằng, văn minh và bền vững.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Tài nguyên nước trao đổi tại hội thảo
Ths Phạm Xuân Hòe,Tổng thư ký
Hiệp hội cho thuê tài chính Việt
Nam phát biểu thảo luận tại hội thảo
Ths Lý Đức Tài trình bày tại hội thảo
Trên
tinh thần cởi mở, thẳng thắn và đổi mới, tại hội thảo, Trung tâm Bảo tồn và
Phát triển Tài nguyên nước đã giới thiệu đến các đại biểu một số nội dung chính
trong các hoạt động thúc đẩy hiện thực hoá mục tiêu phát triển bền vững SDGs đồng
thời Chuyên gia trong các lĩnh vực cũng cung cấp những thông tin cần thiết và gợi
mở thêm một số góc nhìn mới về cơ hội tiếp cận các dòng tài chính xanh, quản trị
kinh doanh có trách nhiệm gắn với bảo vệ môi trường và đưa ra sáng kiến thúc đẩy
sản xuất nông nghiệp bền vững, tiến tới triển khai điển hình tốt tại HTX rau sạch
Nam Cường, xã Yên Cường.

Nông dân HTX Nam Cường xã Yên Cường thu hoạch rau sạch
Tham
gia thảo luận tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Đức Du, UVBTVHU, Phó Chủ tịch Thường
trực UBND huyện cùng lãnh đạo các phòng, ban, ngành, cơ quan, đơn vị chuyên môn
cũng nêu lên quan điểm của địa phương trong thực hiện Chương trình Nghị sự
2030, vì mục tiêu phát triển bền vững của mỗi Quốc gia và toàn cầu. Theo đó, những
năm qua, trong triển khai các nhiệm vụ chính trị của địa phương, song song với tập
trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội, huyện Ý Yên cũng đã,
đang dành nhiều quan tâm đến mục tiêu nâng cao toàn diện chất lượng cuộc sống của
người dân gắn với phát triển bền vững và “không
để ai bị bỏ lại phía sau”. Kết quả
rõ nét được thể hiện trong quá trình triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia
về xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững ở các địa phương. Với sự tham gia của cả hệ thống chính trị và các
tầng lớp Nhân dân đã tạo nên những sự chuyển biến mạnh mẽ cả về “chất” và “lượng”, được xem là những “viên
gạch” đầu tiên, tạo nền móng vững chắc và thuận lợi để từng bước hiện thực
hóa từng phần mục tiêu vĩ mô của chương trình hành động mang tính quy mô toàn cầu.
Thực tế cho thấy, mặc dù vẫn còn chưa thực sự đồng bộ và tạo được nhiều chuỗi
tuần hoàn khép kín song những mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, sản
xuất nông nghiệp sạch, trồng rau theo tiêu chuẩn Vietgap, chăn nuôi an toàn
sinh học trên địa bàn huyện gắn liền với công tác vệ sinh môi trường, xây dựng
cảnh quan nông thôn Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp cũng đã cho thấy sự thay đổi đáng
kể trong tư duy, nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền các địa phương
trong định hướng, tuyên truyền, khuyến khích người dân hình thành và duy trì được
thói quen sống xanh, sống khỏe, sống lành mạnh. Mục tiêu then chốt là phát triển
kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo bao phủ y tế, tiếp cận giáo dục chất lượng, tạo việc làm, thực hiện an sinh xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng dân sinh đi đôi với tái tạo, phục hồi, không tận thu, không huỷ diệt nhằm làm cân bằng hệ sinh thái. Có như vậy, mới đạt được giá trị cốt lõi và tạo ra sự phát triển bền vững.
Hội
thảo được tổ chức đã thu hút sự quan tâm, tìm hiểu của các đại biểu tham dự,
góp phần nâng cao hiểu biết của các ngành, các địa phương về mục tiêu phát triển
bền vững (SDGs); nhấn mạnh vai trò của các địa phương trong việc thực hiện kế
hoạch; thúc đẩy sự phối hợp của tất cả các bên liên quan trong việc lập kế hoạch,
chiến lược và tổ chức thực hiện, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện. Ngoài
ra, các nội dung được đưa ra tại hội thảo còn tăng cường nhận thức về vai trò của
hệ sinh thái vùng đồng bằng và thúc đẩy các mô hình nông nghiệp bền vững tại địa
phương nhằm hỗ trợ việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và đóng góp
có ý nghĩa vào chiến lược phát triển tam nông: Nông nghiệp – Nông thôn và Nông
dân.
(T/h: Hà Giang, Trung tâm VH-TT&TT huyện Ý Yên)