Cổng thông tin điện tử

Huyện Ý Yên - Nam Định

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Hội nghị quán triệt, hướng dẫn các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng cháy, chữa cháy - cứu nạn cứu hộ và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đề án 06
Lượt xem: 223
     Sáng ngày 2/11/2022, UBND huyện Ý Yên phối hợp với Công an tỉnh Nam Định tổ chức hội nghị quán triệt, hướng dẫn các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng cháy chữa cháy – cứu nạn cứu hộ (PCCC – CNCH) và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đề án 06. 
anh tin bai

     Dự và chỉ đạo hội nghị có Thượng tá Nguyễn Trường Sơn – Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC 06)– Công an tỉnh; Thượng tá Nguyễn Văn Toản – Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (PC 07); đồng chí Trần Bình Định, HUV, Phó Chủ tịch UBND huyện – Trưởng Ban chỉ đạo PCCC và CNCH huyện. Cùng dự có các đồng chí trong BCĐ PCCC – CNCH, các đồng chí trong Tổ công tác, tổ giúp việc về thực hiện Đề án 06 của huyện, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan cùng các đồng chí Bí thư, Chủ tịch, Trưởng Công an của 31 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

anh tin bai

        Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trần Bình Định nhấn mạnh: Công tác PCCC & CNCH là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng. Vì vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản của TW và địa phương về công tác PCCC VÀ CNCH, trong đó lấy phòng là chính. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác PCCC trong đó tập trung vào trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong công tác đảm bảo an toàn PCCC và CNCH;  xây dựng và triển khai kế hoạch tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC và CNCH trên địa bàn toàn huyện. Bên cạnh đó, cần rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác PCCC; quan tâm cân đối kinh phí để mua sắm, duy tu bảo dưỡng trang thiết bị phục vụ công tác PCCC. Ngoài ra phải thường xuyên rà soát, kiểm tra tại địa phương, cơ quan, doanh nghiệp của mình, đặc biệt là các điểm tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra cháy nổ…

anh tin bai

 

anh tin bai

        Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe Thượng tá Nguyễn Văn Toản – Phó Trưởng phòng PC 07 phổ biến các văn bản liên quan đến công tác PCCC & CNCH, trong đó có Nghị định số 136/2020/NĐ- CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC và các thông tư hướng dẫn liên quan đến công tác PCCC & CNCH. Đồng thời giới thiệu các thủ tục hành chính trên lĩnh vực PCCC& CNCH được tiếp nhận, giải quyết tại địa phương; hướng dẫn thực hiện trách nhiệm PCCC& CNCH của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở. Thông qua đó nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH; ngăn chặn, đẩy lùi và hạn chế tối đa nguy cơ cháy nổ xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan có thể để lại hậu quả nghiêm trọng. Chấm dứt tình trạng cơ sở không đủ điều kiện an toàn về PCCC, chưa được thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC nhưng vẫn đưa vào hoạt động, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, hoặc cơ sở không đủ điều kiện nhưng vẫn được thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC. Đánh giá đúng thực trạng về PCCC và CNCH đối với cơ sở theo địa bàn; kiểm tra xử lý 100% hành vi vi phạm về PCCC và CNCH, kiên quyết không để các cơ sở vi phạm về PCCC và CNCH, có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động…

anh tin bai

        Cũng trong thời gian diễn ra hội nghị, Thượng tá Nguyễn Trường Sơn – Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC 06)- Công an tỉnh nhấn mạnh: Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án 06/CP) là một nội dung công tác quan trọng, có ý nghĩa thiết thực, lâu dài, không những giảm được giấy tờ, cắt giảm TTHC, tạo thuận lợi cho nhân dân trong giải quyết các giao dịch dân sự mà còn phục vụ hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian qua, Công an các đơn vị và các địa phương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong triển khai Đề án 06 và đạt được những kết quả quan trọng. Để dịch vụ công trực tuyến được người dân, doanh nghiệp sử dụng dễ dàng, thuận tiện và hài lòng về chất lượng thì dữ liệu dân cư, mã định danh cá nhân chính là nền tảng để triển khai các dịch vụ công trực tuyến này. Vì vậy Công an các đơn vị, địa phương phải luôn tập trung “làm sạch” dữ liệu dân cư, đảm bảo dữ liệu dân “đúng, đủ, sạch, sống”. Bên cạnh đó, cần tập trung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của Đề án 06 tới các ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện đồng thời tiếp tục nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả, xây dựng các mô hình chính quyền công khai, minh bạch, gần dân và hệ sinh thái công dân số; đẩy nhanh các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử, tài khoản định danh điện tử, công tác bảo mật, an toàn thông tin, khắc phục các lỗ hổng trong hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, tạo nền tảng quan trọng thúc đẩy công dân số, chính quyền số. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, phát huy tính chủ động, sáng tạo, huy động nguồn lực của người dân, doanh nghiệp trong triển khai Đề án.

anh tin bai

 

anh tin bai

    Ngoài ra, trong quá trình triển khai, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cần phát huy tối đa tinh thần, trách nhiệm và sự tận tâm vì nhân dân phục vụ, vì lợi ích quốc gia để thực hiện có hiệu quả các yêu cầu nhiệm vụ của Đề án 06; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc hướng dẫn thực hiện đạt hiệu quả cao, gắn với quán triệt tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí. Quá trình thực hiện Đề án 06 tại địa phương phải có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các phòng, ban, ngành, đơn vị và các cấp chính quyền địa phương, phấn đấu bảo đảm hoàn thành tiến độ đặt ra trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

(T/h: Hà Giang)

Chung nhan Tin Nhiem Mang