Cổng thông tin điện tử

Huyện Ý Yên - Nam Định

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
UBND huyện tổ chức Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 14/CT-UBND ngày 25/06/2014 của UBND tỉnh về tăng cường xử lí vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Nam Định
Lượt xem: 309
Sáng ngày 30/6/2017, tại Hội trường Nhà văn hóa thông tin thể thao, UBND huyện Ý Yên tổ chức hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 14/CT-UBND ngày 26/6/2014 của UBND tỉnh Nam Định về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn. 



Đồng chí Hoàng Xuân Thành - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện - Chủ trì hội nghị; cùng tham dự có các đồng chí lãnh đạo UBND huyện; lãnh đạo các cơ quan: Phòng Nông nghiệp&PTNT, Phòng Tài nguyên môi trường, Hạt quản lý đê điều, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ý Yên; đồng chí Bí thư, chủ tịch UBND, cán bộ giao thông thủy lợi, cán bộ địa chính môi trường của 32 xã, thị trấn trên địa bàn.

Ngày 25/06/2014, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Để xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi và thực hiện nghiêm Chỉ thị 14/CT-UBND, UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo xử lý vi phạm công trình thủy lợi, đê điều theo Quyết định số 5129, 5131, 5612 ngày 08/7/2014; đồng thời ban hành Kế hoạch số 286/KH-UBND về kế hoạch tuyên truyền, xử lý và giải tỏa vi phạm pháp luật về đê điều và công trình thủy lợi trên địa bàn huyện. Ngày 21/07/2017, UBND huyện thành lập 5 đoàn kiểm tra có nhiệm vụ phối hợp với UBND các xã, thị trấn tiến hành thống kê, rà soát, phân loại, lập biên bản các vi phạm. Việc kiểm tra, phát hiện, xử lý các vi phạm đi đôi với tuyên truyền, vận động nhân dân tự giải tỏa vi phạm được duy trì thực hiện thường xuyên.

Sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 14/CT-UBND, việc giải tỏa và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và công trình thủy lợi đã đạt được một số kết quả bước đầu. Tính đến hết tháng 4/2017, toàn huyện đã xử lý, giải tỏa được 114 vụ vi phạm pháp luật về đê điều và công trình phòng chống lụt bão, trong đó giải tỏa được 93 vụ vi phạm cũ, 22 vụ phát sinh. Tổng số vi phạm còn tồn tại là 637 vụ, trong đó vi phạm trước năm 2007 còn tồn tại là 455 vụ, vi phạm từ sau năm 2007 đến nay còn tồn tại là 182 vụ. Các địa phương còn tồn đọng nhiều vi phạm về đê điều là Yên Trị, Yên Lộc, Yên Phúc. Về giải tỏa các vi phạm pháp luật về công trình thủy lợi, tổng số vi phạm đã được giải tỏa là 132 vụ, trong đó giải tỏa được 111 vụ vi phạm cũ, vi phạm phát sinh là 21 vụ (01 vụ tái vi phạm); tổng số vi phạm còn tồn tại là 1.073 vụ. Các xã Yên Tiến, Yên Phương, Yên Ninh còn nhiều vi phạm về công trình thủy lợi chưa được giải tỏa.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được trong thực hiện Chỉ thị số 14/CT-UBND; chỉ ra những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện, nguyên nhân của những tồn tại; trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc các xã chưa tập trung cao cho công tác giải tỏa vi phạm đê điều và công trình thủy lợi, việc ngăn chặn vi phạm chưa kịp thời, xử lý chưa quyết liệt, còn có hiện tượng nể nang, né tránh và ỷ lại vào cơ quan cấp trên. Một số kinh nghiệm trong việc tuyên truyền, xử lý vi phạm cũng được các đại biểu chia sẻ tại hội nghị như: thường xuyên thông báo trên hệ thống loa truyền thanh xã về các hành vi vi phạm, mức xử phạt các hành vi đó để người dân hiểu và chấp hành; tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, lập biên bản và xử lý các vi phạm từ khi mới phát sinh; và phải coi việc giải tỏa vi phạm là một trong những tiêu chí đảm bảo tính bền vững khi xây dựng nông thôn mới...


Đồng chí Hoàng Xuân Thành - Phó Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện
phát biểu kết luận chỉ đạo tại hội nghị


Phát biểu kết luận chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Hoàng Xuân Thành - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đánh giá những kết quả đạt được sau 3 năm thực hiện Chỉ thị
số 14/CT-UBND, đồng thời yêu cầu các xã, thị trấn và các ngành chức năng liên quan trong thời gian tới cần thực hiện đúng lộ trình, kế hoạch đã đề ra, chậm nhất đến năm 2020 phải hoàn tất việc giải tỏa các vi phạm còn tồn tại từ năm 2007 trở lại đây (từ khi Luật đê điều có hiệu lực). Trong đó, tập trung thực hiện một số nội dung công việc như: kiểm tra, rà soát lại tất cả các trường hợp vi phạm (kể cả các trường hợp có giấy tờ về đất) để báo cáo UBND huyện; lập kế hoạch và tổ chức giải tỏa, cưỡng chế theo quy định hiện hành đối với các trường hợp cố tình vi phạm; tổ chức giải tỏa tất cả các vi phạm theo phương châm “Dễ làm trước, khó làm sau”; đồng thời giải quyết triệt để các vi phạm mới phát sinh sau Chỉ thị 14/CT-UBND, tuyệt đối không để phát sinh thêm vi phạm mới. Đồng chí cũng yêu cầu 02 Tổ công tác của huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn trong quá trình tổ chức giải tỏa, cưỡng chế đồng thời xác định ranh giới phạm vi bảo vệ công trình và công trình vi phạm; tổng hợp số liệu hàng tuần báo cáo về UBND huyện; khi phát hiện vi phạm cần báo cho Chủ tịch UBND xã, thị trấn để kịp thời lập biên bản vi phạm và trong vòng 24 giờ phải chuyển hồ sơ vụ việc đến UBND xã để quyết định xử lý./

 
(
Nguồn: Văn phòng HĐND & UBND huyện) 


Chung nhan Tin Nhiem Mang