Cổng thông tin điện tử

Huyện Ý Yên - Nam Định

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
HỘI NGHỊ TẬP HUẤN HÓA ĐƠN ĐIỆN TỬ
Lượt xem: 1013

Chiều ngày 04/04/2022, Chi cục Thuế khu vực Ý Yên – Vụ Bản phối hợp với Trung tâm viễn thông VNPT, Viettel huyện tổ chức hội nghị tập huấn về việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn huyện Ý Yên và Vụ Bản. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến thông qua ứng dụng Zoom Meeting; Ông Lương Thùy Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế chủ trì hội nghị. 

anh tin bai

Tại hội nghị, các Doanh nghiệp, tổ chức được triển khai, phổ biến tìm hiểu và chuẩn bị điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử theo hướng dẫn Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019; Quyết định số 206/QĐ-BTC ngày 24/2/2022 của Bộ Tài chính, về việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử tại 57 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 23/3/2022 của UBND tỉnh Nam Định về việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử trên địa bàn tỉnh Nam Định bắt đầu từ ngày 01/4/2022. Đồng thời, NNT còn được nghe giới thiệu cơ sở pháp lý triển khai; khái niệm, phân loại hoá đơn điện tử; đối tượng áp dụng hoá đơn điện tử; đăng ký, sử dụng hoá đơn điện tử; xử lý sai sót trong quá trình sử dụng và đối thoại với người nộp thuế nhằm giải đáp các vướng mắc và khảo sát ý kiến về nhu cầu hỗ trợ chính sách thuế đối với người nộp thuế.

anh tin bai

Cũng tại Hội nghị, một số nhà mạng cung cấp dịch vụ, giải pháp HĐĐT đã đưa các chính sách ưu đãi và hướng dẫn NNT các bước chuyển đổi, truyền nhận HĐĐT. Theo đó, với các khách hàng đang sử dụng HĐĐT theo Thông tư số 32/2021/TT-BTC sẽ được các nhà mạng hỗ trợ miễn phí để chuyển đổi sang sử dụng HĐĐT theo Thông tư số 78/2021/TT-BTC của Bộ Tài Chính

Qua hội nghị, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hiểu rõ, nhận thức đúng về việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích, như: góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, phương thức quản lý, tổ chức thực hiện của cơ quan thuế theo hướng tự động nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, giảm chi phí, tăng năng suất hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời giúp tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế, từ đó giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh được thuận lợi. 

Phát biểu kết thúc Hội nghị, Ông Lương Thùy Dương đề nghị các doanh nghiệp nghiên cứu và thực hiện sử dụng HĐĐT theo đúng quy định. Chi cục Thuế sẽ luôn đồng hành với NNT, kịp thời nắm bắt và tháo gỡ những vướng mắc của NNT trước và trong quá trình triển khai HĐĐT trên địa bàn./.

Tại hội nghị đã trả lời 27 câu hỏi vướng mắc của NNT. Một số câu hỏi và giải đáp của Chi cục Thuế trong hội nghị như sau:

(1) Trước khi đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện gì?

          Trả lời: Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện sau đây trước khi đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử:

          - Tổ chức cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử đã cài đặt phần mềm hóa đơn điện tử theo định dạng của cơ quan thuế) cho doanh nghiệp (hoặc đã nâng cấp phần mềm hóa đơn điện tử đang sử dụng đáp ứng theo nghị định số 123, thông tư số 78/2021/TT-BTC.

          - Các bên đã test thử chạy được phần mềm đảm bảo doanh nghiệp lập được hóa đơn điện tử gửi được đến tổ chức cung cấp giải pháp để Tổ chức cung cấp giải pháp tiếp tục gửi đến cơ quan thuế (qua tổ chức truyền nhận) để cấp mã hóa đơn (đối với HĐĐT có mã) hoặc để chuyển dữ liệu hóa đơn (đối với HĐĐT không có mã);

(2) Sau khi nhận được thông báo chấp nhận của cơ quan thuế thì doanh nghiệp phải làm gì với hóa đơn cũ?

          Trả lời: - Trường hợp cơ quan thuế đã chấp nhận đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP , Thông tư số 78/2021/TT-BTC thì doanh nghiệp, tổ chức kinh tế (người nộp thuế - NNT) phải ngừng sử dụng hóa đơn điện tử, tiêu hủy hóa đơn giấy đặt in đã thông báo phát hành theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP , Nghị định số 04/2014/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính. Trình tự, thủ tục tiêu hủy thực hiện theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.

          - Trong thời gian Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính đang có hiệu lực thi hành, Cục thuế có thể hướng dẫn người nộp thuế gửi: Thông báo hủy hóa đơn (Mẫu số TB03/AC) và Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn (BC26) theo hướng dẫn tại Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính để cơ quan thuế nhập vào ứng dụng Quản lý ấn chỉ. Đồng thời cơ quan thuế ban hành Thông báo hóa đơn của NNT hết giá trị sử dụng.

          (Lưu ý: Nghị định số 51/2010/NĐ-CP , Nghị định số 04/2014/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính  hướng dẫn hai Nghị định nêu trên hết hiệu lực từ ngày 1/7/2022).

(3)  Khi đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử rồi thì doanh nghiệp có phải thực hiện Thông báo phát hành hóa đơn điện tử nữa không?

          Trả lời: Nghị định số 123/2020/NĐ-CP không có quy định về Thông báo phát hành hóa đơn điện tử - do đó doanh nghiệp chỉ cần đăng ký sử dụng hóa đơn với cơ quan thuế trước khi sử dụng hóa đơn điện tử.

(4) Doanh nghiệp chỉ có hoạt động kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT (ví dụ: khám chữa bệnh, dạy học, sản xuất phần mềm) và thuộc diện không phải nộp hồ sơ khai thuế GTGT. Vậy doanh nghiệp có phải đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử không và lựa chọn sử dụng hóa đơn điện tử loại nào?

          Trả lời: Doanh nghiệp là cơ sở kinh doanh có hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ (cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, dạy học, bán phần mềm) vì vậy doanh nghiệp phải sử dụng HDĐT khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Mặc dù kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế và không phải nộp hồ sơ khai thuế GTGT nhưng doanh nghiệp vẫn cần xác định phương pháp tính thuế GTGT (là phương pháp khấu trừ hay phương pháp trực tiếp) để xác định loại hóa đơn điện tử sử dụng khi đăng ký sử dụng hóa đơn. Phương pháp tính thuế GTGT khấu trừ hay phương pháp trực tiếp đã được xác định trên giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc giấy CN đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp phương pháp tính thuế GTGT của doanh nghiệp là phương pháp khấu trừ thì doanh nghiệp lựa chọn sử dụng hóa đơn GTGT điện tử. Trường hợp phương pháp tính thuế GTGT của doanh nghiệp là phương pháp trực tiếp thì doanh nghiệp lựa chọn sử dụng hóa đơn bán hàng điện tử.

(5) Doanh nghiệp có phát sinh bán hàng hóa thuộc diện không phải kê khai nộp thuế GTGT (bán nông lâm, thủy hải sản ở khâu thương mại giữa các doanh nghiệp với nhau) thì việc lựa chọn thuế suất thuế GTGT khi lập hóa đơn điện tử như thế nào?

Trả lời: Tại Phụ lục V- Danh mục thuế suất theo Quyết định số 1450/QĐ-TCT ngày 07/10/2021 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành quy định về thành phần chứa dữ liệu hóa đơn điện tử và phương thức truyền nhận với cơ quan thuế có hướng dẫn giá trị số TT 5 KKKNT áp dụng đối với trường hợp bán hàng hóa thuộc diện không phải kê khai nộp thuế GTGT. Theo đó các phần mềm lập hóa đơn điện tử có thiết kế phần thuế suất giá trị “KKKNT” - người nộp thuế sẽ lựa chọn mục “KKKNT” tại Phần thuế suất thuế GTGT khi bán hàng hóa thuộc diện không phải kê khai nộp thuế GTGT. Ngoài ra tại phần tiền thuế thì NNT không nhập dữ liệu vào mục này.

(6) Chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử không có mã đã lập đến cơ quan thuế quá thời hạn theo quy định thì có bị xử phạt vi phạm hành chính không? 2. Trường hợp người mua không lấy hóa đơn thì người bán có phải gửi dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế?

          Trả lời:

1.     Trường hợp chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế quá thời hạn sẽ bị xử phạt hành vi vi phạm quy định chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP về Xử phạt hành vi vi phạm quy định về chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử.

2.     Trường hợp người mua không lấy hóa đơn thì người bán vẫn phải lập  và gửi dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế theo quy định.

(7) Người bán phát hiện hóa đơn điện tử đã được cấp mã của cơ quan thuế chưa gửi cho người mua có sai sót thì phải xử lý như thế nào?

          Trả lời: Trường hợp người bán phát hiện hóa đơn điện tử đã được cấp mã của cơ quan thuế chưa gửi cho người mua có sai sót thì người bán thực hiện  thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP về việc hủy hóa đơn điện tử có mã đã lập có sai sót và lập hóa đơn điện tử mới, ký số gửi cơ quan thuế để cấp mã hóa đơn  mới thay thế hóa đơn đã lập để gửi cho người mua (Trường hợp người bán lựa chọn lập Hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn sai sót thì không phải gửi Mẫu số 04/SS-HĐĐT đến cơ quan thuế).

(8) Số hóa đơn có quy định phải thể hiện dạng đầy đủ (Ví dụ: 0000001) hay hiển thị dạng rút gọn (1) không, hay có thể tùy chọn theo nhu cầu?

          Trả lời: Số hóa đơn được quy định trong Quyết định 1450/QD-TCT có kiểu dữ liệu là kiểu số. Do vậy số hóa đơn có dạng thể hiện là 1 hay 0000001 đều được chấp nhận.

(9) Trường hợp doanh nghiệp bị cưỡng chế nợ thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn và phải sử dụng hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh, doanh nghiệp có cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho nhiều khách hàng khác nhau vậy doanh nghiệp có được đề nghị 1 lần sử dụng nhiều hóa đơn điện tử không?

          Trả lời: Trường hợp doanh nghiệp bị cưỡng chế nợ thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn có cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho nhiều khách hàng khác nhau thì khi đề nghị cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh, doanh nghiệp được đề nghị một lần sử dụng nhiều hóa đơn điện tử và doanh nghiệp phải thực hiện nộp đủ số thuế phải nộp theo quy định hoặc nộp 18% doanh thu trên hóa đơn được sử dụng.

 

       ( Nguồn:  Ngô Hà – Nguyễn Vân, Chi cục Thuế KV Ý Yên – Vụ Bản)

Chung nhan Tin Nhiem Mang