Cổng thông tin điện tử

Huyện Ý Yên - Nam Định

Thống kê truy cập
  • Đang online: 11
  • Hôm nay: 3360
  • Trong tuần: 31 758
  • Tất cả: 2909502
Chăm sóc mạ khay sau gieo
Lượt xem: 95

Trong những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân ở hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều đã khẩn trương ra đồng, tập trung đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ xuân 2023. Theo kế hoạch, tổng diện tích gieo cấy toàn huyện ở vụ này là 13.810ha, trong đó có 12.298ha lúa xuân với các giống chủ lực là Bắc thơm số 7, Khang Dân 18 và Nhị ưu 838. Các diện tích trồng lúa ở vụ này chủ yếu được gieo cấy theo hình thức truyền thống và sạ hàng, hạn chế sạ vãi. Ngoài ra, nhiều địa phương đã ứng dụng cơ giới hóa triệt để vào các khâu sản xuất đặc biệt là chủ động áp dụng phương thức mạ khay - máy cấy vào đồng ruộng để góp phần giải phóng sức lao động cho người nông dân. 

anh tin bai

- Giai đoạn hoạt hoá mầm mạ: sau khi gieo, xếp khay mạ thành chồng cao rồi đem vào nhà ủ, giữ ấm cho mạ tiếp tục mọc qua lớp đất mặt và kích thích mạ mọc đều trong khay. Thời gian để trong nhà ủ khoảng 50-60 giờ. Khi mạ đủ thời gian và với bao lá mầm trên khay đều, khoẻ, thì đưa mạ ra khu vực chăm sóc để thuận lợi cho chăm sóc và theo dõi mạ cho đến lúc cấy.

- Giai đoạn chăm sóc mạ non: Mạ sau khi qua giai đoạn hạt hoá mầm được chuyển ra khu vực chăm sóc trong thời gian 5-7 ngày (tuỳ theo vụ), trong giai đoạn này phải chú ý kiểm soát nhiệt độ ở mức vừa phải (mùa hè phải làm nhà che bằng lưới đen hoặc để nơi có bóng râm để tránh hiện tượng khô héo táp lá, mùa đông phải che phủ nilon để tránh rét), thường xuyên kiểm tra độ ẩm và tưới ẩm kịp thời, không để hiện tượng thiếu nước trên khay nhất là ở vụ mùa.

- Giai đoạn lột mạ và chăm sóc mạ cấy: Khi mạ đạt 1,5-2 lá thật, lúc này các rễ mạ quấn vào nhau và tạo thành 1 tảng, tiến hành lột mạ ra khỏi khay và đặt mạ xuống nền đất có trải 1 lớp nilon mỏng (không đặt mạ trực tiếp xuống nền sân gạch, xi măng vì nền hút ẩm và không giữ ấm được chân mạ). Chăm sóc giai đoạn này phải chú ý đến nhiệt độ, độ ẩm và sâu bệnh trên mạ.

- Luyện mạ: Đối với vụ Xuân, thời điểm gieo mạ nhiệt độ thấp và thường rét đậm, rét hại kéo dài, do đó mạ sau khi được lột ra khỏi khay và đặt trên nền nilon phải được che phủ nilon 100%. Để mạ thích nghi dần với điều kiện thời tiết bên ngoài và tạo điều kiện cho mạ cứng cây, đanh dảnh cần tiến hành luyện mạ, thời gian khoảng 4-5 ngày trước khi cấy.

Cách luyện mạ như sau: Nếu nhiệt độ ngoài trời <16oC phải tủ kín luống mạ; khi nhiệt độ ngoài trời >16oC mở một đầu hoặc hai đầu nilon, chiều tối phải đậy lại; khi nhiệt độ >20oC cần lật mở cả nilon sang một bên, chiều tối đậy lại. Trước khi đưa mạ ra ruộng cấy phải mở nilon hoàn toàn.

    Mạ đạt tiêu chuẩn khi cấy: đạt 2,5-3,5 lá; chiều cao cây từ 10-20 cm, cứng cây, đanh dảnh, sạch sâu bệnh.

     Một số lưu ý đối với cấy máy: Đồng ruộng trước khi cấy phải bằng phẳng, nhuyễn bùn, sạch cỏ dại. Nhất thiết phải để bùn lắng 1 ngày sau khi bừa tráng lần cuối mới đưa máy xuống cấy. Khi cấy chỉ để nước săm sắp mặt ruộng hoặc chỉ cần nhão bùn và điều chỉnh mật độ máy cấy phù hợp với từng giống. Giữ mực nước nông trong ruộng sau khi cấy. Tiến hành chắm dặm kịp thời những vị trí khuyết mật độ ngay sau khi lúa bén rễ, chỉ chắm dặm hàng tay, không chắm dặm hàng sông. Chủ động bón phân thúc đẻ nhánh sớm khi lúa bén rễ hồi xanh và có lá mới. Các biện pháp kỹ thuật chăm sóc khác và phòng trừ sâu bệnh hại cây lúa tương tự phương pháp cấy truyền thống.     

 (Tổng hợp: PV)

Chung nhan Tin Nhiem Mang