Là vùng quê giàu truyền thống văn hóa, người dân trong xã có tinh thần đoàn kết, luôn tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống thường ngày. Nhiều năm qua, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, Đảng uỷ, UBND xã Yên Nhân (Ý Yên) luôn quan tâm đến công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; trong đó tập trung nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa, củng cố và phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
Di tích lịch sử - văn hóa Đền Độc Bộ, xã Yên Nhân.
Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề thực hiện
phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2015-2020;
UBND xã tập trung chỉ đạo các đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân
thực hiện các phong trào xây dựng “Làng văn hóa”, “Gia đình văn hóa”; huy động
mọi nguồn lực xã hội để xây dựng, cải tạo, hoàn thiện hệ thống nhà văn hóa xóm.
Các tổ chức, đoàn thể trong xã đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, góp
phần vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, như: Đoàn Thanh niên
với phong trào “Tuổi trẻ chung sức xây dựng nông thôn mới”, Hội Nông dân với
phong trào xây dựng “Gia đình nông dân văn hóa”, “Gia đình nông dân thi đua
phát triển kinh tế”, Hội Phụ nữ với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao
động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”, Hội
Người cao tuổi với phong trào “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”… Nhờ đó,
phong trào xây dựng “Làng văn hóa”, “Gia đình văn hóa” ở xã có nhiều chuyển
biến tích cực. Năm 2019, cả 16 xóm trong xã đều đạt danh hiệu “Xóm văn hóa”, tỷ
lệ “Gia đình văn hóa” toàn xã đạt 85%. Việc thực hiện nếp sống văn minh trên
địa bàn xã cơ bản đã đi vào nền nếp, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ người
dân; các gia đình đều thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, tích cực
tham gia phong trào văn hoá, văn nghệ, thể thao, giữ gìn và phát huy nét đẹp
văn hoá, thuần phong mỹ tục. Cùng với xây dựng nếp sống văn hóa, xã gắn việc
thực hiện xây dựng đời sống văn hóa cơ sở với thực hiện phong trào “Toàn dân
chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, quyết tâm xây dựng quê hương ngày
càng giàu đẹp, văn minh”. Hệ thống giao thông nông thôn, các công trình phúc
lợi “điện - đường - trường - trạm” được đầu tư xây dựng kiên cố. Nhân dân trong
xã còn đóng góp hàng nghìn ngày công lao động dọn vệ sinh kênh mương, trồng
hoa, cây xanh tại các trục đường chính, góp phần tạo cảnh quan môi trường “sáng
- xanh - sạch - đẹp và an toàn”. Để phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời
sống văn hoá” đi vào chiều sâu, xã không ngừng củng cố khối đại đoàn kết trong
cộng đồng; trong đó chú trọng thực hiện nhiều giải pháp khuyến khích, thúc đẩy
phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp - hiện đại, phát triển các ngành nghề
dịch vụ, thương mại; giải quyết những vấn đề mang tính thiết yếu đối với cuộc
sống cộng đồng dân cư như: chăm lo cho gia đình chính sách, người có công, tổ
chức vận động cán bộ, nhân dân tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, đền
ơn đáp nghĩa… Trong xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, xã tích cực vận động
con em xa quê chung tay ủng hộ và nhân dân địa phương đóng góp kinh phí xây
dựng nhà văn hóa xóm. Đến nay, 14/16 xóm của xã đã xây dựng được nhà văn hóa
đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xóm còn lại có địa điểm sinh hoạt cộng đồng. Các nhà
văn hóa có đầy đủ trang thiết bị cần thiết, đáp ứng các buổi sinh hoạt, hội họp
của các tổ chức cơ sở đảng, đoàn thể, các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể
dục, thể thao. Toàn xã có 16 tổ, đội văn thể ở các xóm hoạt động nền nếp; xã có
câu lạc bộ văn nghệ với nòng cốt là hội viên, đoàn viên, thanh niên Hội Phụ nữ,
Đoàn Thanh niên có khả năng xây dựng nhiều chương trình biểu diễn phong phú,
chất lượng để phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa của địa phương. Hàng năm,
Ban văn hóa xã đều phối hợp với các xóm tổ chức các đêm giao lưu văn nghệ quần
chúng nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh (2-9), Tết Trung thu,
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân (18-11), lễ tiễn tân binh lên đường nhập ngũ…
Toàn xã có 5 di tích lịch sử - văn hóa (1 di tích cấp quốc gia, 4 di tích cấp
tỉnh) gắn với các lễ hội truyền thống hàng năm là Đình - Đền - Chùa Phạm Xá;
Đền Độc Bộ; Đình An Lại Hạ; Đình - Đền - Chùa Dương Phạm; Từ đường họ Nguyễn
Phúc. Các lễ hội ở Yên Nhân đều gắn liền với tín ngưỡng thờ nhân thần, nhân vật
được thờ tự chủ yếu tại các di tích là Triệu Việt Vương. Trong đó, lễ hội Đền
Độc Bộ là một trong số lễ hội mùa thu lớn nhất vùng phía Nam đồng bằng sông
Hồng. Trước kia, lễ hội diễn ra từ ngày 11 đến ngày 15-8 (âm lịch). Trong ngày
hội, các thôn Dương Phạm, Phạm Xá, Đoài Thôn, An Đường, Hoà Bình, Đống Cao,
Thức Vụ ở các xã: Yên Nhân, Yên Cường, Yên Lộc tổ chức rước kiệu từ làng mình
về Đền Độc Bộ. Ngày nay, để phù hợp với điều kiện xã hội và quy chế tổ chức lễ
hội theo nếp sống văn minh, lễ hội Đền Độc Bộ được tổ chức gọn trong 2 ngày; trong
đó, chính hội là ngày 13-8 (âm lịch) - ngày tuẫn tiết của Triệu Việt Vương. Nét
đặc sắc của lễ hội Đền Độc Bộ là nghi thức tế “Tam kỳ giang” diễn ra vào giờ
Ngọ tại ngã ba sông - nơi giao điểm hai dòng nước (cách đền khoảng 1km) với các
nghi thức tế trời đất và tế thánh. Bên cạnh phần lễ được tổ chức vào buổi sáng
ngày 13-8 (âm lịch), phần hội tổ chức vào buổi chiều với nhiều hoạt động văn
hoá, thể thao sôi nổi; tiêu biểu là cuộc đua thuyền rồng trên sông với sự tham
gia của nhiều tay chải đến từ các huyện: Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Nam
Trực. Tại sân đền diễn ra nhiều trò chơi dân gian như: kéo co, cờ tướng, chọi
gà, tổ tôm điếm, leo cầu phao, múa lân - sư - rồng; buổi tối là hội diễn văn
nghệ quần chúng với nhiều tiết mục hát chèo, hát ca trù, hát văn và diễn xướng
các giá hầu đồng, tạo không gian văn hoá sôi động, hấp dẫn.
Phát huy những thành tích đã đạt được trong phong trào
“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, thời gian tới, xã Yên Nhân tiếp
tục đề ra các mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với xây dựng
nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; trong đó tập trung xây dựng môi trường văn
hóa lành mạnh, con người năng động, sáng tạo, đoàn kết. Đó là nền tảng để xã
hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới
bền vững và phát triển./.