Cổng thông tin điện tử

Huyện Ý Yên - Nam Định

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Lượt xem: 273
     Sáng ngày 29/11/2022, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

anh tin bai

    Dự và chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Tổng Bí thư, Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.

    Cùng dự còn có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương, địa phương, cơ quan, đơn vị,...

anh tin bai

 

anh tin bai

 

anh tin bai
 

    Tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu huyện Ý Yên có đồng chí Phạm Chiến Thắng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; đồng chí Nguyễn Tuấn Song, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cùng các đồng chí UVBTVHU, lãnh đạo HĐND, UBND, ủy viên BCH Đảng bộ huyện, lãnh đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị có liên quan.

anh tin bai

 

anh tin bai

    Đây là hội nghị hoàn tất việc ban hành và tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị khoá XIII đối với toàn bộ 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước cũng như trong Vùng, nhằm sớm đưa Nghị quyết quan trọng này vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển vùng - một vấn đề có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn trong việc phát triển nhanh, bền vững mỗi vùng nói riêng và cả nước nói chung.

    Vùng đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, được phân thành 2 tiểu vùng là: Tiểu vùng Bắc đồng bằng sông Hồng (Đồng thời cũng là Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ), gồm 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên; và Tiểu vùng Nam đồng bằng sông Hồng, gồm 4 tỉnh: Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.

    Nghị quyết số 30-NQ/TW xác định, vùng đồng bằng Sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hoá, lịch sử đặc sắc của dân tộc. Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội để phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bằng Sông Hồng thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

    Qua 17 năm thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị các khoá IX và XI, tỉ trọng đóng góp vào GDP cả nước tăng từ 26,9% năm 2010 lên 29,4% năm 2020; thu nhập bình quân đầu người cao hơn 1,3 lần so với bình quân chung cả nước; tổng thu ngân sách nhà nước của Vùng chiếm tới 32,7% tổng thu ngân sách của cả nước, tốc độ tăng thu bình quân là 16,7%/năm; tổng vốn đầu tư xã hội gấp 19,7 lần năm 2005 và chiếm 35,1%, đứng đầu cả nước; số lượng đô thị vùng tăng nhanh, tỉ lệ đô thị hoá của Vùng đến năm 2021 đạt 41%.

    Tuy nhiên, vùng đồng bằng sông Hồng vẫn còn một số mặt hạn chế, thực tế này đặt ra yêu cầu cần ban hành Nghị quyết mới về vấn đề đặc biệt quan trọng này, góp phần tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, có tính đột phá trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước trong giai đoạn phát triển mới.

    Theo đó, phát triển vùng phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hệ thống quy hoạch quốc gia. Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách thúc đẩy liên kết và phát triển vùng đủ mạnh, thiết thực, hiệu quả; thí điểm một số mô hình, cơ chế, chính sách mới; tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng; phát huy vai trò và khai thác hiệu quả các hành lang, vành đai kinh tế, cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế, hệ thống đô thị để tạo đột phá phát triển vùng.

    Về một số mục tiêu cụ thể đến năm 2030 của vùng đồng bằng Sông Hồng, Nghị quyết số 30-NQ/TW xác định, giai đoạn 2021 – 2030 tăng trưởng GRDP đạt bình quân khoảng 9%/năm. Đến năm 2030, GRDP vùng tăng khoảng 3 lần so với năm 2020 (giá hiện hành), trong đó nông, lâm và thuỷ sản chiếm khoảng 3,5%; công nghiệp – xây dựng chiếm khoảng 47%; dịch vụ chiếm khoảng 41%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm khoảng 8,5%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 274 triệu đồng/người/năm. Tốc độ tăng năng suất lao đông bình quân đạt trên 7%. Đóng góp bình quân cùa năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng giai đoạn 2021 – 2030 đạt 55%. Kinh tế số đạt khoảng 35% GRDP. Tỉ lệ đô thị hoá đạt trên 35%; có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

    Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Nghị quyết số 30-NQ/TW đề ra các nhóm nhiệm vụ giải pháp: Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; phát triển kinh tế vùng; phát triển hệ thống đô thị bền vững và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển văn hoá - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

(Tổng hợp: Hà Giang)

Chung nhan Tin Nhiem Mang