Cổng thông tin điện tử

Huyện Ý Yên - Nam Định

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Chiến thắng Điện Biên Phủ-niềm tự hào của dân tộc Việt Nam
Lượt xem: 225
Cách đây 70 năm, chiến thắng Điện Biên Phủ đã ghi vào lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta như một mốc son chói lọi. Đến nay, ý nghĩa và tầm vóc của chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn còn giữ nguyên giá trị trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

 

anh tin bai

Kể từ khi cách mạng Tháng tám năm 1945 thành công, với truyền thống nhân nghĩa và khát vọng hòa bình của Nhân dân, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo với Pháp, thống nhất ký bản Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946. Tiếp sau đó, ký bản Tạm ước Việt - Pháp ngày 14/9/1946, nhân nhượng cho Pháp thêm một số quyền lợi về kinh tế - văn hóa ở Việt Nam.

   Tuy nhiên, không bao lâu sau đó, thực dân Pháp dưới sự hẫu thuận của các nước đế quốc đồng minh đã quay trở lại Việt Nam, tăng cường các hoạt động quân sự, gây ra cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, hiệu triệu toàn thể Nhân dân Việt Nam đứng lên chống thực dân Pháp. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, quân và dân cả nước đã cùng nhất tề đứng lên chống giặc. Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947, Chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950… đã làm nên chiến thắng vang dội, đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp, tạo bước chuyển căn bản giúp ta nắm quyền chủ động trên chiến trường.

anh tin bai

        Sau nhiều năm trở lại xâm lược, dù đã huy động tiềm lực kinh tế, quân sự to lớn nhưng thực dân Pháp vẫn không đạt được mục đích cơ bản đề ra là tiêu diệt chính phủ cách mạng và lực lượng kháng chiến, thiết lập lại nền cai trị trên toàn Đông Dương. Tháng 5/1953, chính phủ Pháp cử tướng Nava - người được đánh giá là “một nhà chiến lược văn võ kiêm toàn” sang làm tổng chỉ huy quân viễn chinh ở Đông Dương với hy vọng sớm giành thắng lợi quân sự quyết định, tìm “lối thoát danh dự” dứt điểm cuộc chiến tranh. Với âm mưu trong vòng 18 tháng sẽ tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta, kiểm soát lãnh thổ Việt Nam, tháng 7/1953 “Kế hoạch Nava” của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ ra đời, chúng cho quân nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ.

anh tin bai

 

        Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo rộng lớn ở phía Tây vùng rừng núi Tây Bắc, gần biên giới Lào - Việt, nằm trên ngã ba với nhiều đường lớn và đường nhỏ quan trọng. Đây là một địa bàn chiến lược hết sức quan trọng, một vị trí chiến lược cơ động ở giữa miền Bắc Việt Nam, Thượng Lào và miền Tây Nam Trung Quốc, có thể trở thành một căn cứ lục quân và không quân rất lợi hại trong âm mưu xâm lược của địch ở vùng Đông Nam châu Á. Ngày 20/11/1953, thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và xây dựng ở đây một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Trước tình hình đó, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy. Một cuộc vận động Nhân dân chi viện Điện Biên Phủ đã được triển khai rầm rộ, với quy mô lớn chưa từng có.

 

anh tin bai

        Theo đó, với khẩu hiệu "Tất cả cho tuyền tuyến, tất cả để chiến thắng”, Nhân dân ta đã dồn hết sức người, sức của cho chiến dịch; đóng góp trên 25.000 tấn gạo, trên 260 tấn muối, gần 2.000 tấn thực phẩm, trên 26.000 lượt dân công với trên 18 triệu ngày công, xấp xỉ 21.000 xe đạp thồ, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ và trên 3.000 chiếc thuyền. Lực lượng tại chỗ, đồng bào Tây Bắc ra sức tăng gia sản xuất, đóng góp hàng triệu tấn gạo, thịt, rau cho chiến dịch… Đồng bào cả nước sát cánh bên nhau xẻ núi, san đồi, làm đường phá thác để mở lối cho quân đi, cho thuyền chở hàng qua lại... Đến đầu tháng 3-1954, công tác chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch đã hoàn thành.

anh tin bai

        Đúng 17 giờ ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến dịch diễn ra với 3 giai đoạn: Giai đoạn 1, từ 13 - 17/3, ta tiêu diệt phân khu phía Bắc, lực lượng tiêu diệt các cứ điểm Him Lam, đồi Độc Lập và trung tâm đề kháng Bản Kéo. Giai đoạn 2, từ 30/3 đến 30/4, ta tiến đánh phân khu trung tâm, các điểm cao quan trọng phía Đông (E1, D1, C1, C2, A1...), vây lấn bằng hệ thống giao thông hào, bóp nghẹt Tập đoàn cứ điểm. Giai đoạn 3, từ 1 - 7/5, ta đánh tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm. Đến 18 giờ 45 phút ngày 6/5, khối bộc phá 1.000 kg đặt trong lòng quả đồi A1 nổ vang, quân ta tổng công kích. 17 giờ 30 phút ngày 7/5, tướng De Castries và toàn bộ tham mưu Tập đoàn cứ điểm bị bắt, gần 10.000 quân địch ra hàng.

         Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, vượt qua muôn ngàn gian khổ, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng của địch. Chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch.

anh tin bai

 

anh tin bai

(Hình ảnh tại bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên - nơi tôn vinh giá trị lịch sử của chiến thắng lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu, một trong những điểm đến ý nghĩa mà nhiều người dân  lựa chọn tham quan trong dịp cả nước kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên)

   Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường, sức mạnh của khối đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Quân và dân ta đã đập tan âm mưu xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, buộc chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Geneva (7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ ba nước Đông Dương, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ kéo dài 9 năm (1945 - 1954). Đồng thời, chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp kéo dài hàng thế kỷ, mở ra bước phát triển mới cho cách mạng Việt Nam, Lào, Campuchia; tạo cơ sở và điều kiện để Nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975.

          70 năm đã trôi qua, lịch sử dân tộc đã bước sang trang mới, thế nhưng những bài học và ý nghĩa lớn lao của chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước hôm nay. Đó là, đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn, sáng tạo của Đảng; là nghệ thuật quân sự truyền thống Việt Nam được kế thừa và phát triển lên tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh; là tình đoàn kết và liên minh chiến đấu giữa ba dân tộc trên bán đảo Đông Dương, sự giúp đỡ quan trọng của Trung Quốc, Liên Xô và sự đồng tình, ủng hộ từ bè bạn quốc tế. Và hơn hết đó chính là tình yêu quê hương đất nước, là khát vọng độc lập, tự do đến cháy bỏng của mỗi con dân đất Việt.

    Trong mỗi giai đoạn đi lên của đất nước, tinh thần Điện Biên Phủ vẫn luôn hiện hữu, để rồi từ đó toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh theo các Nghị quyết của Đảng, tạo nền tảng vững chắc để đất nước phát triển nhanh, bền vững hơn.

anh tin bai

    Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2023) là cơ hội để nhìn lại tầm vóc chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ. Vì vậy, mỗi người dân Việt Nam hôm nay càng cảm phục hơn trí tuệ và bản lĩnh đánh giặc của thế hệ cha anh. Đồng thời tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

   Theo thống kê, toàn huyện Ý Yên có 309 cựu chiến binh từng trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, trong đó 14 người đã anh dũng hi sinh và  nằm lại nơi chiến trường ác liệt. Hơn một nửa thế kỷ đã trôi qua, nhiều cựu chiến binh là chiến sĩ Điện Biên năm xưa đã “về với đồng đội” nhưng trong số tất cả những CCB còn lại, tuy tuổi cao, sức yếu nhưng ký ức về những ngày tháng xông pha trận mạc vẫn mãi mãi là niềm tự hào của một thời tuổi trẻ hào hùng. Sinh ra là những con người bình dị nhưng với ý chí “Thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, họ đã một lòng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tinh thần, ý chí và niềm tự hào ấy đã và đang được tiếp tục được nhân lên để bảo vệ vững chắc Tổ quốc và xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

anh tin bai

 

anh tin bai

 

anh tin bai

 

anh tin bai

 

anh tin bai

 

    Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024) và các ngày lễ lớn của đất nước, thời gian qua, các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn huyện Ý Yên đã tích cực hưởng ứng và tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Thông qua đó, tiếp tục khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta; đề cao tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ đã hi sinh xương máu vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; cổ vũ, động viên cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp Nhân dân ra sức phấn đấu, nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị trong thời gian tới. Kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng lịch sử Điện biên Phủ, phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, ý chí quyết chiến quyết thắng, các cấp ủy Đảng, chính quyền cán bộ đảng viên và Nhân dân trong huyện cùng chung sức đồng lòng, phát huy sức mạnh, đoàn kết nỗ lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra, xây dựng huyện ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

 

(T/h: Thu Nga - Trung tâm VH-TT&TT huyện Ý Yên)

Chung nhan Tin Nhiem Mang