Cổng thông tin điện tử

Huyện Ý Yên - Nam Định

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đền Ninh Xá – Xã Yên Ninh – Huyện Ý Yên – Tỉnh Nam Định
Lượt xem: 241
anh tin bai

Đền Ninh Xá thuộc xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định; Nằm cách trung tâm thành phố Nam Định 19km về phía Tây Quốc lộ 10. Đền còn được gọi là đền Voi Đá, Ngựa Đá, vì trước đây tại đền có voi đá, ngựa đá chầu phía trước cửa hoặc gọi là đền ông Công vì trước kia đền có nuôi công, ngày ngày đi lại, xòe cánh trước sân đền. Đền Ninh Xá đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du Lịch cấp bằng công nhận di tích Lịch sử và kiến trúc Nghệ thuật năm 1991.

Đền Ninh Xá là nơi thờ Lương Bình Vương, An Nhu Vương. Theo truyền thuyết, đây là những vị con vua Hùng về trấn trị vùng đất Đại An, giúp dân Ninh Xá khai khẩn, trồng lúa, trồng dâu, chăn tằm, dệt vải. Từ thời nhà Lý, đền còn thờ Lão La Đại thần Ninh Hữu Hưng (sinh năm 939) là người có tài đục chạm đồ mộc. Ông từng được Đinh Tiên Hoàng ban chức: “Công tượng lục phủ giám sát đại tướng quân” (Vị đại tướng trông coi nghề mộc của sáu phủ). Trong thời nhà Đinh rồi sau đó thời Tiền Lê, ông chỉ huy việc xây dựng Kinh đô Hoa Lư với các cung điện như Bách Bảo Thiên Tuế, Phong Lưu Tử Hoa, Long Lộc, Trường Xuân... cùng nhiều đền, chùa, dinh thự.

anh tin bai

Theo sử sách, vào ngày 24 tháng 4 năm Tân Mãi (tức ngày 9 tháng 6 năm 991), trong 1 lần phò vua Lê Đại Hành cày tịch điền, lúc về qua sông Sắt, vua cho đậu thuyền rồng lên thăm đền thờ Lương Bình Vương và An Nhu Vương. Thấy cảnh hoang sơ, Ninh Hữu Hưng đã xin vua ở lại sửa đền và sửa chùa Lê ( Phúc Lê Tự). Ngoài ra, thấy nơi đây đất đai trù phú, dân cư còn thưa thớt, ông đưa con cháu, họ hàng và chiêu mô dân các nơi về đây khai khẩn mở mang trang ấp, dạy dân nghề mộc, chạm để kiếm sống. Sau này, những người dân về đây sống đều đổi sang họ Ninh nên vùng đất này có tên là Ninh Xá.

Ngày 4 tháng 6 năm Kỷ Mùi (1091), ông qua đời tại Ninh Xá, hưởng thọ 81 tuổi. Con cháu và dân làng đưa thi hài ông về quê an táng tại chân núi Xương Bồ (Ninh Bình), đồng thời tôn làm vị tổ dạy nghề, thờ tự tại đền Ninh Xá.

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đền Ninh Xá hiện nay tọa lạc trên một khu đất có diện tích 2.390m2 ở phía Tây làng, mặt quay về hướng Tây. Phía trước cửa đền có hồ bán nguyệt, hệ thống nghi môn, hòn non bộ được tạo dáng đẹp trang trí nhiều đề tài: nghê chầu, hổ phù, tứ linh, tứ quý cùng các câu đối nhấn nổi bằng chữ Hán. Tiếp giáp với nghi môn là một sân lát gạch phẳng phiu xung quanh có tường xây bao bọc kín đáo. Đền Ninh Xá gồm có ba tòa được thiết kế theo kiểu "Tiền chữ nhất, hậu chữ đinh". Bên cạnh đền là ngôi phủ thờ Đại Lan công chúa (tướng của Hai Bà Trưng). Công trình này đã góp phần bổ sung hỗ trợ tạo cho di tích một quần thể hoàn chỉnh.

anh tin bai

Cùng với giá trị về lịch sử và kiến trúc, đền phủ Ninh Xá còn lưu giữ được 28 đạo sắc phong và nhiều đồ thờ có giá trị như: cửa võng, nhang án, kiệu long đình, kiệu bát cống, ngai thờ, đại tự, câu đối... Đặc biệt sập thờ tổ nghề làm kiểu chân quỳ, dạ cá với vân tỏa lá hỏa vươn cao cùng các băng hoa chanh, sen dẹo. Mặt trước chạm lưỡng long chầu nguyệt mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII.

Để tỏ lòng biết ơn những người có công dựng làng giữ nước, hàng năm cứ vào dịp đầu Xuân, nhân dân Ninh Xá lại tổ chức mở lễ hội. Ngày 6 tháng Giêng âm lịch là ngày kỷ niệm tổ nghề đặt chân tới mảnh đất này. Lễ hội tổ chức vào ngày này cũng là dịp để con cháu các họ gần xa và những hội thợ đi làm ăn xa về quê thăm viếng tổ tiên. Trong ngày diễn ra lễ hội sẽ có phần tế lễ rước kiệu và đặc biệt có lệ “hiến xảo” (dâng đổ khéo). Sản phẩm đẹp có thể được bày bên cạnh hương án hoặc ngoài sân.

Sau kỳ lễ hội đầu tháng giêng, vào các ngày từ 4 – 6 tháng 3 âm lịch là lễ hội chính trong năm. Đặc biệt, trong ngày 6/3 âm lịch, hội làng Ninh Xá có lễ hội kéo lửa khai hội. Nghi thức này thể hiện lòng thành tâm tưởng nhớ của dân làng đến sáng kiến tạo ra lửa của tổ nghề Ninh Hữu Hưng.

anh tin bai
anh tin bai
anh tin bai
Chung nhan Tin Nhiem Mang