GÓP Ý VÀO DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI): Đề nghị chỉ giao Nhà nước thu hồi, giải phóng mặt bằng và áp dụng chung một mức giá theo khung giá đất
Theo đó, nhiều ý kiến
cho rằng: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bỏ quy định Khung giá đất; khoản 1
Điều 154 quy định Bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm và áp dụng
từ ngày 1 tháng 1 của năm. Việc quy định xây dựng giá đất theo từng năm là rất
tốt nhưng thực tế hiện nay cho thấy để hoàn thành bảng giá đất dù rất khẩn
trương cũng mất 6 tháng, trong khi khung giá đất (theo quy định hiện hành)
tuy ban hành định kỳ 5 năm/lần nhưng vẫn có cập nhật, bổ sung mức giá theo diễn
biến thị trường. Do đó, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nên giữ quy định Khung
giá đất để đảm bảo giữ sự quản lý của Nhà nước ổn định trong giai đoạn 5 năm,
không nhất thiết phải thay đổi Bảng giá đất theo từng năm.
Pháp luật hiện hành
quy định cụ thể hai phương án thu hồi đất: Thứ nhất là Nhà nước thu hồi
đất đối với các dự án sử dụng đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi
ích quốc gia, công cộng đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, dự án
được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư và một số trường hợp
được HĐND cấp tỉnh xem xét thông qua chủ trương thu hồi đất. Thứ hai là
trường hợp sử dụng đất thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh thì Nhà nước không
thu hồi đất mà chủ đầu tư và người sử dụng đất tự thỏa thuận việc sử dụng đất thông
qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Quy định này khiến công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Trên thực
tế, nhiều đoạn tuyến hoặc một khu đất phải thực hiện giải phóng mặt bằng cả dự
án bao gồm cả phần do Nhà nước thu hồi đất lẫn dự án do doanh nghiệp thoả thuận
chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Trong trường hợp này nảy sinh sự chênh lệch
mức giá đền bù giữa các hình thức thu hồi đất gây nên mâu thuẫn, bất bình,
không đồng thuận, ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng. Vì vậy, Dự thảo
Luật Đất đai (sửa đổi) nên quy định thống nhất nên áp dụng chung một mức giá
trong thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; đồng thời chỉ áp dụng một cơ chế giao
cho Nhà nước thu hồi đất tất cả các dự án (kể cả trường hợp sử dụng đất thực
hiện dự án sản xuất, kinh doanh). Việc áp dụng chung một mức giá (theo Khung
giá đất định kỳ 5 năm/lần) giúp không phát sinh sự so sánh, gia tăng sự đồng
thuận của các chủ sở hữu đất cùng một tuyến đường, một khu vực ngay cả khi thu
hồi đất cho các mục đích sử dụng khác nhau, giúp công tác giải phóng, bàn giao
mặt bằng nhanh chóng, thuận lợi hơn. Nếu áp dụng một cơ chế giao cho Nhà nước
thu hồi đất, sau giải phóng mặt bằng, nếu Nhà nước cho thuê hay tổ chức đấu giá
quyền sử dụng đất (theo Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Đấu giá tài sản)
thì mức thu lúc đó cũng nộp về ngân sách Nhà nước, cuối cùng người dân cũng
được hưởng lợi.
(PV)