Hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả xây dựng các mô hình sản xuất giống lạc mới L32, L33
Ngày 6/6, tại UBND xã Yên Nhân, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển đậu đỗ - Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm phối hợp với Phòng nông nghiệp và Môi trường huyện tổ chức hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả xây dựng các mô hình sản xuất giống lạc mới L32, L33 trên địa bàn huyện Ý Yên.
Dự hội nghị có đồng
chí Nguyễn Xuân Thu, Chủ nhiệm đề tài; Ninh Văn Quán, Phó Trưởng phòng Nông
nghiệp và Môi trường huyện cùng lãnh đạo xã Yên Nhân và Chủ tịch Hội đồng Quản trị các xã: Yên Cường,
Yên Phúc, Yên Dương...,
cùng các hộ dân tham gia sản xuất mô hình.

Giống lạc L32,
L33 do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển đậu đỗ - Viện Cây lương thực và Cây
thực phẩm chọn tạo, thuộc Dự án Khuyến nông Trung ương: “Xây dựng mô hình
sản xuất các giống lạc mới phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại các tỉnh
phía Bắc” giai đoạn 2025-2026. Giống lạc L32, L33 có dạng
thân đứng, lá màu xanh đậm, kháng bệnh héo xanh vi khuẩn. Mô hình được triển khai thực hiện tại thôn Cẩm xã Yên Dương, thôn Trạng Vĩnh xã Yên Phúc
và xóm 7 xã Yên Nhân với diện tích 30ha lạc thương phẩm. 180 hộ dân tham gia mô
hình đều được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển đậu
đỗ - Viện cây lương thực và Cây thực phẩm trực tiếp tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ một phần phân
bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật và giới thiệu bao tiêu sản phẩm.

Thực tế sản xuất cho thấy, mặc dù vụ Xuân 2025, điều kiện thời tiết không thuận lợi cho quá trình
sinh trưởng của các loại cây trồng, trong đó có cây lạc. Tuy nhiên, nhờ có sự
chỉ đạo kịp thời của đội ngũ cán bộ kỹ thuật kết hợp với sự sáng tạo, giàu kinh
nghiệm sản xuất của nông dân các địa phương nên mô hình lạc của Dự án vẫn bảo
đảm sinh trưởng, phát triển khỏe, sai củ. Qua theo dõi, giống L32, L33 có chiều cao cây tương đương so với các giống
lạc đối chứng; số cành cấp 1/cây đạt 4,1-4,3 cành. Đặc biệt một số bệnh hại lá
chính như gỉ sắt, đốm nâu, đốm đen của giống lạc L32, L33 kháng tốt hơn so với
giống lạc Sán Dầu 30 và Trạm Dầu 207 trong cùng điều kiện thời tiết và canh tác. Tỷ lệ hạt/củ cao; năng suất dự kiến của giống L32 là 4,05 tấn/ha,
cao hơn so với đối chứng Sán Dầu 30 18,7%; lãi thuần khi áp dụng giống lạc mới
L32 và các biện pháp kỹ thuật mới đi kèm đạt 68,6 triệu đồng/ha, tăng 19,2% so
với trồng giống lạc Sán Dầu 30. Tỷ suất lợi nhuận cận biên của mô hình so với
đối chứng dự kiến đạt 2,23; giống L33 là 3,76 tấn/ha cao hơn so với đối chứng
Trạm Dầu 207 là 23,4%. Lãi thuần khi áp dụng giống lạc L33 và các biện pháp kỹ
thuật mới đi kèm dự kiến đạt 66,37 triệu đồng/ha, tăng 26,3% so với trồng giống
lạc Trạm Dầu 207.Tỷ suất lợi nhuận cận biên của mô hình so với đối chứng dự
kiến đạt 2,78.


Từ hiệu quả của các mô hình, các đại biểu tham dự hội thảo đầu bờ đều đánh giá cao kết
quả thực hiện của Dự án và kiến nghị đơn vị thực hiện, đơn vị chủ trì tiếp tục
hỗ trợ địa phương triển khai nhân rộng trên địa bàn huyện, nhằm hình thành vùng
sản xuất nguyên liệu lạc ổn định và phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
(T/h: Đoàn Hương-Trung tâm VHTT&TT huyện Ý Yên)