Trong thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện đã được triển khai tích cực với các giải pháp đồng bộ, trong đó đặc biệt là việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực, cả về ý thức, hành động và kết quả thực hiện các mục tiêu về đảm bảo an toàn thực phẩm; kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm, không để phát sinh điểm nóng về mất an toàn thực phẩm.
Toàn huyện hiện có 1172 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch
vụ ăn uống; trong đó có 310 cơ sở sản xuất thực phẩm, 412 cơ sở
kinh doanh thực phẩm; 330 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống và 120 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Thực tế
cho thấy, trong quá trình kinh doanh, thực phẩm được sử dụng từ nhiều nguồn cung cấp với đa dạng, phong phú
các loại thực phẩm kể cả thực phẩm nhập khẩu. Chính vì vậy công
tác kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ và đảm
bảo an toàn thực phẩm vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Căn cứ vào tình hình thực tế của địa bàn, thời gian qua,
để công tác đảm bảo an toàn thực phẩm
triển khai hiệu quả, Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm huyện đã ban
hành các văn bản chỉ đạo, điều hành kịp thời theo đúng Chỉ thị 13/CT-TTg, ngày
9-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó, công
tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất, người tiêu dùng
được đặc biệt chú trọng. Phòng Nông
nghiệp & Phát triển Nông thôn, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã
thường xuyên phối hợp chặt chẽ với
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, trong đó hội viên Hội Nông dân, Hội
Phụ nữ là lực lượng nòng cốt, tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng, đoàn viên,
hội viên nâng cao hiểu biết, nhận
thức và có trách nhiệm hơn trong quá trình sản xuất, kinh doanh cũng như tiêu
dùng thực phẩm. Hàng năm, tổ
chức 3 đợt cao điểm tuyên truyền về an toàn thực phẩm: Đợt 1 vào dịp Tết Nguyên
đán và lễ hội đầu năm; đợt 2 vào Tháng hành động vì an toàn thực phẩm
(15/4-15/5); đợt 3 vào dịp Tết Trung thu; in ấn băng đĩa với nội
dung ngắn gọn, dễ hiểu, tuyên
truyền thông điệp của “Tháng hành động vì
an toàn thực phẩm” và được phát đến tận các xã để tuyên truyền trên đài truyền
thanh địa phương. Riêng từ đầu năm đến nay,
đã có nhiều bài tuyên truyền về an toàn thực phẩm trên trang Thông tin điện tử
huyện và trên Đài Phát thanh huyện; phát gần 300 lượt bài trên đài truyền thanh
xã, thị trấn, thôn xóm; phát 1050 tờ gấp, tờ rơi; chăng treo 138 băng zôn khẩu
hiệu, tranh, áp phích.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn
thực phẩm huyện đã chỉ đạo các
ngành chức năng và các địa phương tăng
cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm. Nội
dung kiểm tra tập trung vào các vấn đề, như: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện
an toàn vệ sinh thực phẩm; cập nhật kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ
cơ sở, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; hồ sơ theo dõi
chất lượng sản phẩm, phiếu kiểm nghiệm định kỳ; quy trình chế biến, bảo quản
thực phẩm; nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm; nguồn nước dùng cho chế
biến thực phẩm; kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với cơ
sở, trang thiết bị. Giám sát phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập
thể trường học, bữa cỗ tập trung đông người, thức ăn đường phố. Phối hợp xử lý
vi phạm các vấn đề nóng về an toàn thực phẩm như sử dụng chất cấm trong chăn
nuôi; định kỳ tổ chức cho các cơ sở nhỏ lẻ, hộ gia đình sản
xuất, chế biến thực phẩm ký cam kết sản xuất đảm bảo an toàn thực
phẩm. Trong năm 2022, Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP huyện đã chỉ đạo các
ban ngành phối kết hợp, tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác quản lý về
VSATTP; tổ chức được 38 lớp tập huấn về sản xuất rau, quả sạch cho các hộ nông
dân theo tiêu chuẩn VIETGAP; Tăng cường công tác tuyên truyền các văn bản quy
phạm pháp luật về VSATTP; Tiến hành kiểm tra, giám sát công tác quản lý ATTP
các xã, thị trấn, cùng 437 cơ sở thực phẩm và xử lý nghiêm các cơ
sở vi phạm. Tính riêng trong quý I
và đầu quý II năm 2023, UBND huyện, Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP huyện đã ban
hành triển khai hơn 20 văn bản chỉ đạo; tổ chức 33 đoàn kiểm tra trong đó 2 đoàn tuyến huyện đã kiểm tra công
tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm ở 4 xã, thị trấn; công tác đảm bảo an
toàn thực phẩm tại 6 trường mầm non và 16 cơ sở thực phẩm. Qua thực hiện test
nhanh chỉ tiêu hàn the trong sản phẩm giò, bún, đậu đã xử phạt 3 cơ sở vi phạm,
phạt hơn 3,7 triệu đồng; tịch thu tang vật trị giá hơn 3,3 triệu đồng. Riêng
các đoàn kiểm tra tuyến xã đã kiểm tra 138 cơ sở thực phẩm.


Đặc biệt, thời gian qua, huyện Ý Yên đã
triển khai xây dựng các mô hình, điển hình trong sản xuất, kinh doanh, chế biến
thực hiện an toàn thực phẩm như việc lập quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp
tập trung; duy trì mô hình rau hữu cơ
an toàn; xây dựng chuỗi các cửa hàng thực phẩm sạch; triển khai
các mô hình kiểm soát an
toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người,
mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm các bếp ăn tập thể. Các mô hình phối hợp
với các hội, đoàn thể như: Mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh nông sản an
toàn, nói “không” với sản xuất “rau hai luống, lợn hai chuồng”; “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”,
tổ chức vận động “Phụ nữ cam kết thực
hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”.
Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp đảm bảo toàn thực
phẩm nên nhận thức của người kinh doanh và người tiêu dùng về an toàn thực phẩm
đã có chuyển biến đáng kể. Từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện không xảy ra
vụ việc ngộ độc thực phẩm trên 30 người mắc, không có tử vong do ngộ độc thực
phẩm. Các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, các nhà hàng ăn uống,
bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà
nước về an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc
sống của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội./.