image banner
Hát văn di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia
Lượt xem: 7642

Xuất phát từ hình thức diễn xướng dân gian trong tín ngưỡng thờ Mẫu, nghệ thuật chầu văn tại Quần thể Di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy luôn gắn liền với nghi thức tụng ca công đức của thánh Mẫu Liễu Hạnh, các vị thần, vị thánh có công với đất nước. Người xưa quan niệm đó là phương thức để mọi người có thể giao tiếp với Mẫu, với các chư vị thần linh, nhằm bày tỏ lòng biết ơn và hướng thiện; bằng cách sử dụng âm nhạc có tính tâm linh, lời văn chau truốt trang nghiêm. Chính vì thế, khi nghe hát văn, dường như chúng ta có thể tìm thấy sự phát triển tột bậc cả về làn điệu âm nhạc cũng như hệ thống kỹ thuật biểu cảm của nhạc thanh mà khó có một thể loại âm nhạc tôn giáo tín ngưỡng nào ở Việt Nam lại đạt được tầm cao về tính thẩm mỹ nghệ thuật như hát văn.

 

Hát văn trong nghi thức hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ tại Phủ Vân Cát.

 

Hòa trong dòng chảy cuộc sống, theo thời gian, những làn điệu chầu văn hay còn gọi là hát bóng tại quần thể di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy, vẫn luôn được các thế hệ cung văn trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và phát triển trong môi trường tín ngưỡng dân gian.

Sinh ra trong một gia đình có 3 thế hệ đã theo nghề hát chầu văn, đến nay nghệ thuật hát văn như ngấm vào và trở thành một phần máu thịt trong con người anh Lê Chí Vịnh ở huyện Ý Yên. Để có thể trở thành một người hát văn chân chính, biểu diễn tại các Đền, Phủ trong Quần thể di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy, anh đã phải theo học rất nhiều từ các bậc cung văn mẫu mực đi trước. Với mong mỏi đưa nghệ thuật âm nhạc dân gian đặc sắc này tới với đông đảo công chúng và phát triển nó lên một tầm cao mới, anh đã không ngừng học hỏi và truyền thụ những kinh nghiệm quý giá của mình cho thế hệ hát văn trẻ. Với anh, một người hát văn chân chính phải luôn giữ lấy cái cốt, lề lối và phù hợp với khung cảnh của vấn hầu mới là điều quan trọng nhất. Chia sẻ thêm về điều này anh nói: Hát văn sinh ra để phục vụ tín ngưỡng, phục vụ trong tâm linh của hầu đồng trong Tứ phủ, thế nên quan trọng nhất người hát phải thuộc hết các bản văn, các gốc tích của các giá văn. Muốn bà đồng cảm nhận được lời văn ấy thì cái tâm của người cung văn rất là quan trọng, người cung văn phải hát đúng làn điệu, đúng cái tích lịch sử ấy thì người hầu đồng mới có thể toát lên được, có thể linh lên được.

Cũng theo anh Lê Chí Vịnh khác với hát chầu văn ở các vùng miền khác, hát văn ở Nam Định đặc biệt là hát văn trong Quần thể Di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy, không sử dụng nhiều hệ thống kỹ thuật mà chuyên về chất lôgic, thô mộc, giản dị, mang đậm đặc điểm lối hát dân giã. Nghe những bản văn ta rất dễ nhận biết sự tích của các vị Thánh, cũng như khung cảnh các ngài giáng ngự, hiển thánh. Vì thế không thể không có hát văn trong nghi lễ hầu thánh. Hầu là nghi lễ nhập hồn của các vị thánh vào thân xác các ông đồng, bà đồng. Trình tự nghi lễ hát chầu văn phục vụ hầu đồng có thể chia thành 4 phần chính: Một là mời Thánh nhập, hai là kể về sự tích và công đức của vị Thánh đó, ba là xin Thánh phù hộ và cuối cùng là đưa tiễn thường chấm dứt với câu: “Thánh giá hồi cung”.

Trải qua nhiều biến cố thăng trầm nhưng nghệ thuật hát văn vẫn giữ được hồn việt thuần nhất, mộc mạc, song cũng rất đa dạng, phong phú. Thực tế chứng minh là chầu văn là một bộ phận không thể tách rời khỏi các hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu. Tuy nhiên, hiện nay việc bảo tồn và phát triển hát chầu văn đang gặp nhiều khó khăn. Để gìn giữ và phát triển chầu văn mà vẫn bảo lưu được những làn điệu cổ, những phong cảnh diễn xướng cổ; thì người hát văn cần có sự hiểu biết sâu và tôn trọng những nguyên tắc của hát chầu văn.

 

Cung văn hát chầu văn Phủ Vân Cát.

 

Chia sẻ với chúng tôi về điều này anh Nguyễn Văn Cường -  người cung văn đã có 15 năm gắn bó với loại hình nghệ thuật này cho biết: Trong tín ngưỡng Thờ Mẫu, người hát văn đóng vai trò vừa là đạo diễn, vừa là phụ họa. Để gìn giữ và phát huy di sản văn hóa chầu văn thì người làm nghề hát văn cần phải trau dồi kiến thức về văn, nhớ về các tích của các vị thần, vị thánh; các lề lối, nhịp phách, tiếng trống, tiếng đàn không được pha tạp để phát huy các di sản của Ngài và phải bảo vệ gốc mà các thế hệ đi trước gìn giữ bằng tiếng Hán, tiếng Nôm.

Như vậy, để giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của hát chầu văn rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành, các nghệ nhân, đặc biệt là giới trẻ hiện nay cần có cái nhìn đúng đắn, cởi mở và trân trọng hơn nữa đối với môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Để nghệ thuật hát chầu văn được bảo tồn, kế thừa và phát huy vươn đến một tầm cao mới xứng tầm với niềm tự hào của văn hóa dân tộc Việt Nam./.

 

Bài và ảnh: Huyền Trang – Đài phát thanh Vụ Bản

Tin khác
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1